Cảnh giác những ngày áp Tết Nguyên đán, nguy cơ cháy càng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ song yếu tố chính vẫn được cơ quan chức năng kết luận: Do sự chủ quan của những người thiếu hiểu biết, hoặc không tuân thủ quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Vụ cháy chợ Quang do đốt vàng mã

Vụ cháy chợ Quang do đốt vàng mã

Để phòng ngừa cháy, nổ có hiệu qủa và chỉ rõ nguyên nhân tại sao vào những ngày áp Tết Nguyên đán hoặc ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, số vụ cháy thường gia tăng?..., chúng tôi có bài phân tích từ các chuyên gia quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC)...

Cháy, nổ luôn rình rập

Trước Tết Nguyên đán hàng tháng, các nhà quản lý công tác PCCC và CNCH luôn đau đáu nỗi lo... Tại say vậy? Bởi lúc này những cửa hàng, nhà kho, bến bãi là nơi tập kết của hàng trăm nghìn chủng loại hàng hóa, trong đó có không ít các loại mặt hàng dễ cháy, nổ. Điều đáng lo lắng nhất khi chất đống hàng hóa lớn trong kho, nhưng công tác PCCC cũng như thiết bị PCCC đều hạn chế, hoặc nhiều cơ sở nhỏ lẻ lại không có.

Trong khi đó, với ý thức luôn suy nghĩa chỉ làm tạm thời trong thời gian ngắn, nên các chủ cơ sở không mấy quan tâm trang bị các công cụ PCCC và nguy hiểm hơn là sự chủ quan trong suy nghĩ: “cháy làm sao được...”.

Còn nhớ, trước Tết nguyên đán 2020 vừa qua, vụ cháy kho hàng chuyên để đồ vàng mã đã thiêu rụi toàn bộ tài sản trong ngôi nhà xây kiến cố của một gia đình ở quận Long Biên. Nguyên nhân do chủ nhà chuẩn bị hàng mã cho ngày “Ông Công, Ông Táo” để phục vụ nhu cầu người dân. Hàng về nhiều chất đống trong nhà cao tới trần đã chạm vào bóng điện thắp sáng. Đó chính là nguồn gây cháy sau khi chất hàng hóa xong không kiểm tra, để đèn sáng thâu đêm cho đến gần sáng thì chập cháy. Nếu mọi người tuân thủ an toàn phòng cháy, sắp xếp hàng hóa tránh ổ điện, bóng đèn thì không xảy ra hậu quả. Đằng này, sự chủ quan bóng đèn điện sẽ không thể gây cháy, nên xem nhẹ và hậu quả toàn bộ tài sản bị thiêu rụi.

Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện về sự chủ quan với việc an toàn PCCC, gây hậu quả đáng tiếc. Bao năm qua vẫn vậy, việc tập kết hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm vẫn được chủ cơ sở, doanh nghiệp, người dân… thực hiện. Thế nhưng, chỉ có điều mà họ không thường xuyên thực hiện là an toàn PCCC và điều cần thiết để bảo vệ chính tài sản, tính mạng thì gần như bị xem nhẹ, hoặc không quan tâm.

Quang cảnh vụ cháy chợ Sóc Sơn

Quang cảnh vụ cháy chợ Sóc Sơn

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, CATP Hà Nội cho biết: “Bao giờ cũng vậy, mỗi khi đến với người dân tuyên truyền, trang bị kỹ năng an toàn PCCC và CNCH tôi luôn nhắc: Các bác bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để mua sắm tài sản, vật dụng trong nhà, nhưng lại không quan tâm bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua bình chữa cháy, hoặc thiết bị báo cháy lắp cho gia đình để bảo vệ chính mình và người thân”.

Lý giải về việc bảo vệ tài sản bằng chính sự tuân thủ an toàn PCCC, Đại tá Nguyễn Trường Sơn phân tích: “Đã được tập huấn PCCC và có kỹ năng xử lý đám cháy ngay từ ban đầu mà không có phương tiện thì dập lửa bằng gì khi mất bình tĩnh và khi hô hoán hàng xóm cứu giúp thì tài sản đã thành than rồi. Vậy, người chữa cháy hiệu quả nhất chính là mình và muốn chữa cháy tốt, đám cháy không có cơ hội lan ra thì phải có bình chữa cháy và phải biết sử dụng thành thục”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy xảy ra trong thời gian vừa qua, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh PCCC và CNCH có kế hoạch và phương án phòng ngừa cháy, nổ để giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức diễn tập chữa cháy chợ Sấu

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức diễn tập chữa cháy chợ Sấu

Theo đó, cuối tháng 9-2020, khi bước vào mùa hanh khô, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chủ động kế hoạch thực tập phương án PCCC và CNCH tại các trung tâm thương mại, nhà xưởng, kho bãi. Đồng thời, có văn bản yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các quận, huyện tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, xử lý, khắc phục những tồn tại, vi phạm. Cùng với đó, xây dựng các kế hoạch chuyên đề chi tiết theo từng lĩnh vực, loại hình kinh doanh để có biện pháp quản lý, cũng như phòng ngừa hiệu quả.

Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, nguyên nhân khiến dịp áp Tết và ngày lễ hoặc rằm, mùng 1 hàng tháng, số vụ cháy tăng hơn thời điểm khác là vì việc tích trữ hàng hóa của người dân nhưng không tuân thủ quy định an toàn PCCC đối với việc sắp xếp hàng hóa. Cũng hiều, kho hàng cả thời gian dài không dùng nhưng gần cuối năm sử dụng để chất hàng hóa, trong khi thiết bị điện không kiểm tra, đường dây bị hở, chập… dẫn đến khi dùng bị cháy, nổ. Ngày rằm, mùng 1 hay xỷ cháy hơn ngày thường là do tập quán đốt vàng mã của người dân nhưng không tuân thủ quy định sử dụng lửa trần.

Vẫn biết không thể ngăn chặn triệt để các vụ cháy, nhưng để hạn chế cháy, nổ đến mức thấp nhất, mỗi người dân khi đốt vàng mã, thắp hương, nến phải chú ý đến khi tắt mới ra khỏi nhà và nơi đó tuyệt đối không để chất dễ cháy gần hoặc chất quá nhiều đồ mã bên cạnh. Đã có nhiều vụ cháy chỉ vì thắp hương ngày Tết, sau đó đóng cửa nhà đi chơi, tàn hương rơi vào đồ vàng mã hoặc vải vóc gây cháy nhà.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, mới đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hà Đông, CATP Hà Nội đã diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, đồng thời kiểm tra làng nghề Vạn Phúc, nơi được xem là một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức, CATP Hà Nội với mong muốn phát huy lực lượng cơ sở trong công tác PCCC, đã tổ chức hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó, triển khai đồng bộ kế hoạch kiểm tra kho xưởng, làng nghề trong thời gian trước Tết Nguyên đán 2021.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hà Đông diễn tập chữa cháy, cứu nạn có sự tham gia nhiều lực lượng tại Trung tâm thương mại

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hà Đông diễn tập chữa cháy, cứu nạn có sự tham gia nhiều lực lượng tại Trung tâm thương mại

Nói về nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức khẳng định, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc CATP về tăng cường an toàn PCCC và CNCH trong mùa hanh khô và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Hoài Đức đã chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động tại các cụm công nghiệp, làng nghề và 136 thôn, 5 khu dân cư trên địa bàn.

Cùng với đó, tiến hành kiểm tra 1.489 lượt cơ sở, phát hiện và đề xuất xử lý 436 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Qua đó, kiến nghị cơ sở khắc phục kịp thời, giảm thiểu nguy cơ dẫn đến cháy, nổ. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm cảnh báo, khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, gas, đốt vàng mã.

“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường kiểm tra, nắm tình hình đối với những cơ sở thuộc địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, phát huy phương châm “4 tại chỗ” là nhiệm vụ quan trọng số 1” - Thượng tá Nguyễn Thành Vinh khẳng định.