Cảnh giác ngạt khí khi sưởi ấm

ANTĐ - Mặc dù báo chí, truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng ngạt khí khi sưởi ấm, tuy nhiên cứ vào mùa đông Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai vẫn phải tiếp nhận, xử lý những ca ngộ độc do người dân đốt than, củi khi ngủ để chống lạnh. Việc coi thường hoặc không hiểu biết này nhiều khi đã gây nên những cái chết không đáng có.
Cảnh giác ngạt khí khi sưởi ấm ảnh 1
Một ca ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi được điều trị tại BV Bạch Mai

Gần đây nhất là ngày 15-2, gia đình anh Lê Xuân H, trú tại xã Bình Nguyên, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã phải ngậm ngùi làm đám tang cho 3 bà cháu gồm bà Lê Thị L (51 tuổi), cháu Lê Văn D (5 tuổi) và cháu Lê Văn T (3 tuổi). Đây là 3 nạn nhân đã tử vong do ngộ độc khí CO (Carbon monoxide) khi gia đình đốt than để sưởi vào đêm 13-2. Riêng 2 vợ chồng anh Lê Xuân H do khỏe hơn nên chỉ bị ngất, tuy nhiên do hít phải nhiều khí độc nên hiện cả 2 vẫn phải điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Nguyên nhân của vụ ngạt khí thương tâm này là do trước đó thấy cháu bị cảm lạnh, mẹ anh H đã đốt một chậu than mang vào phòng ngủ để sưởi ấm cho trẻ nhỏ. Nghĩ đây là việc bình thường, đồng thời thấy một số gia đình khác trong xóm cũng sưởi ấm bằng phương pháp này mà không sao nên anh H cũng không để ý. Nào ngờ, sáng hôm sau khi thấy đã quá 8h mà nhà anh trai chưa mở của, anh Lê Văn H (em trai anh H) đã sinh nghi và phá khóa để vào thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Ngạt khí CO khi đốt than, củi sưởi ấm trong phòng ngủ là điều vẫn thường thấy tại các vùng ngoại thành, nông thôn khi trời rét. Cá biệt tại Hà Nội, một số gia đình còn đốt cả bếp than tổ ong. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây nên các vụ ngộ độc khí do phòng ngủ quá kín và không lưu thông được oxy. PGS. TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Người dân tuyệt đối không được sử dụng bếp than để sưởi. Ngoài việc bị ngạt, đây cũng là nguy cơ gây nên hỏa hoạn, bởi khi đã ngủ say, việc cứu chữa sẽ vô cùng thụ động và lúng túng, dễ dẫn đến hoảng loạn. Bên cạnh đó, bếp than khi cháy sẽ đốt hết O2 tạo ra một môi trường yếm khí và sản sinh khí CO. Khí này được coi như một “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó không màu, không mùi, không gây kích thích... Nạn nhân khi ngủ say và hít phải sẽ không hề hay biết mình đang bị ngộ độc, thậm chí kể cả đến khi biết được thì lúc đó họ cũng không còn đủ phản xạ, khả năng để gọi người cứu được nữa. Khí CO khi hít phải sẽ gây ngạt tế bào, ngạt hệ thống và để cứu chữa cũng vô cùng khó khăn, bởi một khi đã xảy ra sự cố ngạt nếu không được cấp cứu kịp thời, não thiếu oxy lâu thì dù có cứu được, bệnh nhân cũng sẽ rơi vào tình trạng sống thực vật.

Bên cạnh việc sưởi ấm bằng bếp than thì hiện nay một số nơi có thói quen sử dụng các loại máy sưởi, quạt sưởi kiểu bức xạ nhiệt hay hồng ngoại. Những thiết bị này tuy không sản sinh ra khí CO như than, củi nhưng tia hồng ngoại mang nhiệt khi tác động trực tiếp lên da cũng gây khô da, khô niêm mạc mũi và có nguy cơ gây bỏng, thậm chí hỏa hoạn cũng cao không kém gì bếp than. Do vậy khi sử dụng cần hết sức đề phòng nguy cơ cháy nổ, cần phải để cách xa các vật dụng dễ cháy như rèm, thảm, chăn màn…    

Cần sử dụng máy sấy quần áo đúng cách

Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, nhiều gia đình phải sử dụng máy sấy để hong khô quần áo. Việc sử dụng thiết bị này không đúng cách cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hỏa hoạn. Theo Thượng tá Đỗ Văn Cường - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa – Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, để đảm bảo an toàn, việc lắp đặt máy sấy quần áo phải được thực hiện bởi thợ điện chuyên nghiệp hay những người có chuyên môn, hiểu biết nhất định về các thiết bị điện. Bên cạnh đó, nhằm phòng tránh nguy cơ gây cháy nổ, người sử dụng không nên đưa những loại quần áo có đính các phụ kiện bằng kim loại, một số loại vải không phù hợp vào máy sấy quần áo như vải có dính hoặc ngâm trong dầu thực vật, dầu ăn, dầu hạt lanh, dầu bôi trơn hoặc mỡ bởi chúng có thể gây nổ máy sấy. 

Cũng theo Thượng tá Đỗ Văn Cường, một vấn đề nữa cần lưu ý là người sử dụng tuyệt đối không sấy các loại vải mềm mỏng như màn cửa, vải len, tơ, nilon không thấm nước do những loại vải này rất dễ cháy khi ở nhiệt độ cao. Trước khi đưa quần áo vào máy sấy cần kiểm tra và lấy hết những vật có trong túi quần áo như kẹp giấy, bút mực, đinh và kim… do những vật này có thể làm hư hỏng máy sấy. Để máy hoạt động an toàn và có độ bền cao, vấn đề vệ sinh và bảo dưỡng máy thường xuyên cũng cần được coi trọng, đặc biệt là việc làm sạch ống xả. Do đây là thiết bị dẫn khí nóng từ trong máy ra ngoài nên nếu được làm sạch, nó không chỉ giúp làm việc dễ dàng, tiết kiệm điện mà còn hạn chế nguy cơ hỏa hoạn. Các gia đình có con nhỏ khi sử dụng máy sấy quần áo cần  thường xuyên để mắt trông trẻ, không cho trẻ lại gần máy sấy, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.