Cảnh giác không để "vỡ trận" khi Covid-19 tái hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày này, cụm từ “làn sóng thứ hai” dịch Covid-19 đang được nhắc tới trên khắp thế giới, suốt từ châu Âu qua châu Á rồi tới châu Mỹ. Với Việt Nam, 100 ngày bình yên khi không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng đã chấm dứt với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Nội. Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra quyết liệt.

Các lực lượng chức năng tuần tra trên đường phố Đà Nẵng sau khi quy định giãn cách xã hội được ban hành

Hiểm họa “làn sóng thứ hai” Covid-19 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 29-7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 16.883.451 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) và 662.470 ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.498.006 ca bệnh và 152.309 ca tử vong. Sau Mỹ là Brazil với 2.484.649 ca mắc và 88.634 ca tử vong. Tiếp sau Brazil là Ấn Độ với 1.532.135 ca mắc và 34.224 ca tử vong. 

Điều đáng ngại là không như cúm mùa xuất hiện theo chu kỳ thời gian, Covid-19 là virus mới và phát triển theo cách khác. Bà Margaret Harris - người phát ngôn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ là “một cơn sóng duy nhất. Nó sẽ tiếp tục đi lên rồi xuống thấp một chút”. Chính vì thế, theo bà Margaret Harris, không thể hy vọng dịch bệnh sẽ rút đi khi bán cầu Bắc bước vào mùa hè. 

Không những thế, theo ông Hans Kluge - Giám đốc phụ trách châu Âu của WHO, nếu các ổ dịch không bị cô lập thì “làn sóng thứ hai” có thể xuất hiện và “hết sức hủy diệt”. Còn Phó tổng Giám đốc (WHO) Ranieri Guerra thì cảnh báo: “Chúng tôi so sánh với dịch cúm Tây Ban Nha, mọi thứ rất giống với dịch Covid-19. Nó có chiều hướng đi xuống vào muà hè nhưng trở lại dữ dội vào tháng 9 và tháng 10, gây ra cái chết của 50 triệu người trong đợt bùng phát thứ hai”.

Trên thực tế, “làn sóng thứ hai” Covid-19 đã bắt đầu nổi lên. Sau gần một tháng nới lỏng đi lại giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU), các biện pháp mạnh lại được áp dụng trong EU để đối phó với việc   Covid-19 bùng phát mạnh trở lại tại châu lục này. Chính phủ Anh đã chính thức yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh từ Tây Ban Nha kể từ sau ngày 25-7. Pháp cũng yêu cầu người nhập cảnh từ 16 nước ngoài EU (trong danh sách Pháp đã công bố) bắt buộc phải kiểm tra Covid-19 khi vào Pháp. Đức và Bỉ cũng đã tái áp dụng một số biện pháp như lệnh giới nghiêm, giãn cách xã hội và cách ly bắt buộc.

Tình hình châu Á cũng tương tự như vậy, khi nhiều nước trong khu vực đang đối mặt với số ca nhiễm đang ngày một tăng và phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm khống chế dịch bệnh. Tại Nhật Bản, sự gia tăng kỷ lục các trường hợp nhiễm mới hồi tuần trước tại Tokyo và các trung tâm đô thị khác khiến các chuyên gia nước này hết sức lo lắng. Philippines thì đang cân nhắc xem có nên áp dụng lại các biện pháp phong tỏa chặt hơn sau khi việc nới lỏng đã khiến gia tăng đáng kể các ca lây nhiễm và tử vong. Tại Hồng Kông, lần đầu tiên đặc khu hành chính này phải ban hành quy định cấm ăn uống tại các nhà hàng nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh…

Kinh nghiệm và thiết bị tiên tiến hơn sẽ giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh

Dù chưa phải là “làn sóng thứ hai” Covid-19 nhưng sự tái hiện bất ngờ của các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, báo chí thế giới phản ánh diễn biến mới này với sự tin tưởng rằng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nhờ kinh nghiệm và thiết bị sẵn có.

Tờ The Diplomat nhận định có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình. Theo The Diplomat, là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bị đại dịch tấn công, Việt Nam sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ sớm, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công hai đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó vào tháng 1 và tháng 3-2020, thể hiện bằng số ca bệnh thấp và không có trường hợp tử vong. Đây được cho là cơ sở để tin rằng Việt Nam có thể xử lý tốt làn sóng lây nhiễm tiếp theo này.

Một yếu tố nữa mà tờ The Diplomat cho rằng sẽ giúp ích cho Việt Nam đối phó hiệu quả với đợt bùng phát Covid-19 lần này là kinh nghiệm chống dịch trong suốt nửa năm qua kết hợp với thiết bị tiên tiến hơn. Theo The Diplomat, việc một số địa phương yêu cầu người dân, đặc biệt là những người từ Đà Nẵng trở về, cài các ứng dụng di động như NCOVI và Bluezone sẽ giúp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch và ứng phó kịp thời.

Kết thúc bài viết, tờ The Diplomat nhận định, với những hành động quyết liệt này, Đà Nẵng có thể kiểm soát sự lan rộng của Covid-19 trong cộng đồng và Việt Nam có thể xử lý đợt dịch này thông qua việc phong tỏa các địa phương nguy cơ cao như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, thay vì giãn cách xã hội trên toàn quốc như vài tháng trước.

Hãng tin Bloomberg News ngày 28-7 thì đăng bài viết cho biết, sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giãn cách và ban hành trở lại các biện pháp phòng dịch, trong đó có quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Cùng ngày, trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, so với lần trước, việc đối phó với dịch bệnh lần này sẽ phức tạp hơn bởi dịch bệnh bây giờ đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, trong khi chưa xác định được F0. Chính vì thế, phát biểu trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh xuất hiện một số ca dương tính mới tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân; không được để vỡ trận, không chủ quan”.

Trong bối cảnh vừa phải kiên quyết chống dịch, vừa phải bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu: “Không được ngăn sông cấm chợ nhưng có biện pháp cần thiết ngăn chặn dòng người rất đông đã đi đến các địa phương khác từ thành phố Đà Nẵng”. Thủ tướng cũng đề nghị từng địa phương có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu phòng, chống dịch bệnh; trong đó có một số biện pháp cần khuyến cáo nhân dân như hạn chế đi lại; đeo khẩu trang nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh sát khuẩn nơi ở và làm việc…