Cảnh giác chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các tàu nước này tập trung ở gần một khu vực tranh chấp trên Biển Đông (đá Ba Đầu) là “tàu cá” tránh thời tiết xấu, nhưng các nhà phân tích tỏ ra lo ngại bởi đây có thể là diễn biến mới nhất trong chiến thuật “vùng xám” mà Bắc Kinh đang áp dụng nhằm độc chiếm Biển Đông.
Tàu của Trung Quốc được tăng cường với số lượng lớn đến đá Ba Đầu ở Trường Sa

Tàu của Trung Quốc được tăng cường với số lượng lớn đến đá Ba Đầu ở Trường Sa

Lời cảnh báo từ những sự kiện lịch sử

Tiếp sau Mỹ, Nhật Bản và Anh, Canada và Australia cũng lên tiếng chỉ trích những hành động làm gia tăng căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Viết trên Twitter, ông Peter MacArthur, Đại sứ Canada tại Philippines bày tỏ: “Canada phản đối những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông - gồm những hành động bên ngoài bờ biển Philippines - vốn gây leo thang căng thẳng, phá hoại sự ổn định khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson thì nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo ngại về những hành động gây bất ổn có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Dư luận lo ngại bởi những gì đang diễn ra ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến người ta nhớ lại các sự kiện Trung Quốc dùng sức mạnh giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 1995 và 2013. Theo đó, bằng cách khẳng định sự hiện diện liên tục và thiết lập biện pháp răn đe đối với những tàu thuyền không phải của nước này, Trung Quốc giành quyền kiểm soát trên thực tế các thực thể trên biển đang thuộc quản lý của nước khác.

Trở lại vụ đá Vành Khăn, đầu năm 1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến đá Vành Khăn bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines đang đánh bắt cá tại đây, sau đó liên tục xây dựng phi pháp những cấu kiện hình đa giác trên cọc thép và cắm cờ Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối và các hành động ngăn cản của Philippines, Trung Quốc từng bước dùng lực lượng vượt trội của mình đẩy sự kiểm soát của Philippines khỏi đá Vành Khăn.

Đến năm 1999 thì cấu trúc mà Trung Quốc xây dựng trên đá Vành Khăn đã bao gồm các kết cấu nhiều tầng, được trang bị súng phòng không, các phương tiện thông tin liên lạc kết nối vệ tinh, đồng thời đủ rộng để cung cấp chỗ hạ cánh cho các máy bay trực thăng. Sau quá trình tôn tạo diễn ra từ năm 2014, đến giữa năm 2016 thì cả một đường băng dài hơn 2,5km đã được hoàn tất trên đá Vành Khăn.

Liên quan đến bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền, tháng 4-2012, Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại bãi cạn này nên tìm cách bắt giữ nhưng bị các tàu được Trung Quốc điều tới ngăn cản. Sau đó, Trung Quốc nhanh chóng khiến căng thẳng leo thang bằng cách dàn đội hình tàu lấn át số lượng tàu của Philippines. Sau 10 tuần đối đầu căng thẳng, giữa tháng 6-2012, do ảnh hưởng xấu của cơn bão Gutchol, Philippines rút các tàu của mình khỏi bãi cạn, đồng thời tuyên bố rằng đây là thỏa thuận cùng rút tàu của cả Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực và dần dần giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn tìm cách hạn chế các phương tiện tiếp cận bãi cạn Scarborough, nhất là tàu cá Philippines. Philippines không ít lần tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm va vào các tàu của ngư dân nước này tiếp cận bãi cạn. Bên cạnh đó, Manila vẫn tiến hành các cuộc tuần tra ở Scarborough dù Bắc Kinh phản đối. Các chuyên gia cảnh báo khả năng Trung Quốc sẽ tôn tạo Scarborough thành đảo nhân tạo như đã làm với 7 thực thể khác ở Biển Đông.

Toan tính tạo sự hiện diện thường trực và liên tục

Thực tế cho thấy bất cứ khi nào Bắc Kinh lựa chọn một khu vực để kiểm soát, họ đều tăng cường lực lượng với quy mô và cường độ mà các đối thủ không thể theo kịp. Theo chuyên gia Batongbacal thuộc Viện nghiên cứu Luật biển và các vấn đề hàng hải thuộc Đại học Philippines, việc Trung Quốc cho tàu thuyền neo đậu tại đá Ba Đầu tương tự như chiến thuật mà nước này đã áp dụng với bãi cạn Scarborough với mục đích từng bước kiểm soát hoàn toàn nơi này và vùng nước xung quanh, tạo ra một sự hiện diện thường trực và liên tục.

Ở đá Ba Đầu, lực lượng mà Trung Quốc sử dụng là dân quân biển, tức là lực lượng có vũ trang đóng vai ngư dân. Nhiều chuyên gia cho rằng không có chuyện hàng trăm tàu đến đá Ba Đầu chỉ để trú ẩn như lời giải thích của Trung Quốc, mà thực chất đây là bước đi trong chiến thuật “cải bắp” với sự kết hợp của nhiều lớp tàu khác nhau: “tiên quân” - dân quân biển, “trung quân” - cảnh sát biển và cuối cùng là hải quân. Các loại tàu này tạo thành vành đai tầng tầng lớp lớp như cây cải bắp, mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh.

Núp dưới lớp vỏ là tàu đánh cá nhưng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có kích thước lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với tàu cá thông thường. Dù được trang bị một số phương tiện đánh bắt cá, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của các tàu này không phải là đánh bắt cá mà là tổ chức các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các tàu cá và các tàu thực thi pháp luật hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông.

Trong vai trò đó, lực lượng dân quân biển sẽ giúp Trung Quốc thực hiện chiến thuật “vùng xám” mà theo ông Andrew S.Erickson, chuyên gia tại Đại học chiến tranh hàng hải của Mỹ, nó có thể tạo tình huống dưới ngưỡng xung đột khi có thể tấn công tàu dân sự hoặc tàu cảnh sát biển của nước khác. Ngược lại, đối với các tàu nước ngoài có năng lực mạnh mẽ, dân quân biển sẽ trở thành “kẻ yếu”, tức là lấy tình trạng dân sự làm lá chắn buộc phía bên kia phải chịu hậu quả về mặt ngoại giao hoặc phục vụ cho mục đích tuyên truyền.

Bằng cách tăng cường hoạt động tại vùng biển thuộc quyền tài phán của nước khác nhưng nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc “vùng biển liên quan” mà Trung Quốc khẳng định một cách phi pháp, các tàu cá của lực lượng dân quân biển sẽ giúp Bắc Kinh có cớ để tuyên bố đó là vùng chồng lấn, rồi từng bước dùng sức mạnh biến “vùng chồng lấn” thành của mình. Đó là cách mà Bắc Kinh đang áp dụng với mục tiêu dần chiếm đóng các bãi cạn và đá ở Trường Sa để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông.

Về mặt chiến lược, việc kiểm soát hoàn toàn đá Ba Đầu và hoạt động ở đó một cách liên tục không bị cản trở sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo con đường tiếp vận xuyên suốt từ Bắc xuống Nam khu vực cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam. Điều này giúp tăng cường khả năng hoạt động dài hạn của lực lượng Trung Quốc ở phía nam Biển Đông, nhất là các lực lượng chấp pháp biển. Những quan sát thông qua vệ tinh cũng củng cố cho giả thuyết này, khi hầu như tất cả các tàu cá, tàu hậu cần, tàu hải cảnh của Trung Quốc khi di chuyển từ Bắc xuống Nam để tới Gạc Ma đều neo đậu trước hết ở đá Ba Đầu.