Cảnh giác bệnh ho gà ở trẻ nhỏ

ANTĐ - Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Khoa lây nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 200 trường hợp mắc ho gà, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước, thậm chí, có trường hợp đã tử vong do phát hiện muộn. Điều này đang gây nhiều lo ngại cho các bậc phụ huynh và ngành y tế.
Cảnh giác bệnh ho gà ở trẻ nhỏ  ảnh 1

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 - 50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người bị tử vong, đa số là trẻ em dưới 1 tuổi ở các nước chậm phát triển. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây qua đường hô hấp. Ở Việt Nam, bệnh ho gà đã được phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm phòng vắc xin DTP từ năm 1986 khi triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhưng thực tế thì bệnh vẫn còn tản phát và hai năm nay xuất hiện khá nhiều bệnh nhi có biến chứng nặng.

Các trường hợp đang điều trị ho gà lúc đầu vào viện thường bị chẩn đoán là viêm đường hô hấp do virus, đến khi uống thuốc mãi không khỏi, thậm chí ho nặng thêm mới được đưa vào viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với virus ho gà.

Hầu hết bệnh nhi mắc ho gà đều dưới 3 tháng tuổi trong đó đến 90% là chưa tiêm phòng hoặc chưa đến hai tháng tuổi - thời điểm tiêm phòng mũi ho gà đầu tiên. ThS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh ho gà nếu không được điều trị đúng thì cũng có thể gặp một số biến chứng rất nguy hiểm ví dụ như ở trẻ nhỏ có thể gây ngừng thở, đặc biệt thời gian ban đêm. Biến chứng thứ hai cũng thường gặp là biến chứng chảy máu kết mạc mắt. Một biến chứng nữa là khi ho kéo dài như vậy sẽ là yếu tố rất thuận lợi để gây viêm đường hô hấp đặc biệt là viêm đường hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản.

Để phòng bệnh ho gà, cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Mũi tiêm phòng ho gà đầu tiên được tiêm lúc 2 tháng tuổi, mũi thứ hai là 3 tháng tuổi và mũi thứ ba khi trẻ 4 tháng tuổi. Tiêm vaccine có thể bảo vệ trẻ khỏi ho gà được 90-95%. Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị biến chứng. Triệu chứng của ho gà thường bao gồm: Ho rũ rượi thành từng cơn, mặt đỏ, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở, thậm chí tím tái, chảy nước mũi trong nhưng không bị sốt, cuối cơn ho có tiếng thở rít vào thật dài, nghe như tiếng gà rít.