FTA Việt Nam - Hàn Quốc:

Cánh cửa mở rộng cho doanh nghiệp Việt

ANTĐ - Sau hơn 8 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết. Với cam kết mở cửa lớn từ phía Hàn Quốc, liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội, biến ưu đãi thành thành quả kinh tế.

Hàn Quốc đã nhập cuộc 
Ông Hoàng Minh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, khởi đầu việc thực hiện VKFTA, tại Hội chợ triển lãm năng lượng quốc tế Hà Nội 2015 (ENTECH Hà Nội 2015) sắp diễn ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ mang đến nhiều sản phẩm công nghệ mới như: công nghệ tiết kiệm năng lượng, ắc quy năng lượng mặt trời, hệ thống điện gió… 

Ngoài ra, từ ngày 13 đến 16-5-2015 tại triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam diễn ra tại TP.HCM, Hàn Quốc cũng đăng ký một khu trưng bày ẩm thực và thực phẩm truyền thống, thực phẩm chức năng…  với sự tham gia của 16 doanh nghiệp. Giới chuyên gia đánh giá, các hoạt động xúc tiến thương mại mạnh mẽ của Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực chính là bước thăm dò thị trường, sẵn sàng khai thác các lợi thế do VKFTA mang lại. 

Cánh cửa mở rộng cho doanh nghiệp Việt ảnh 1

Vú sữa là một trong những nông sản của Việt Nam đang được đàm phán xuất khẩu sang Hàn Quốc

Theo VKFTA, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội nhờ các cam kết mở cửa của Hàn Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng cắt bỏ hơn 90% dòng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Các lĩnh vực kinh doanh được hưởng ưu đãi của Hàn Quốc là ô tô, hàng điện tử, dệt may; các loại sản phẩm được hưởng ưu đãi gồm chất dẻo, sắt thép, cáp điện, đồ điện gia dụng, xe từ 3.000 phân khối trở lên. Các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi gồm hoa quả nhiệt đới, tỏi, gừng, thịt lợn, mật ong và tinh bột ngọt khoai tây. Trước đó, có những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế cao lên đến 420%. 

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cơ hội đã đến với thủy sản Việt Nam. Trong các mặt hàng thủy sản, tôm Việt Nam đang được Hàn Quốc nhập khẩu số lượng lớn, chiếm gần 46% tổng giá trị nhập khẩu của nước này. “Sau khi FTA được ký kết, mức thuế suất ưu đãi tại thị trường Hàn Quốc sẽ giúp tăng sức cạnh tranh và giá bán của sản phẩm tôm tại nước này.

Theo VKFTA, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên mức 15.000 tấn/năm. Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế, các yêu cầu về kỹ thuật... mà nhiều doanh nghiệp còn lo ngại hơn cả thuế”- VASEP cho hay.  Theo đại diện VASEP, cánh cửa vào thị trường Hàn Quốc đã rộng mở hơn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đòi hỏi về an toàn thực phẩm sẽ khắt khe hơn, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới hoạt động kinh doanh, khai thác lợi thế FTA mang lại.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho hay, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ tăng mạnh khi được giảm thuế. Hiện nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 5-7%, cá biệt một số loại bị đánh thuế 10% khi xuất sang thị trường này. Bên cạnh đó, thuế thiết bị sản xuất gỗ cũng giảm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập máy móc chất lượng hơn, thay thế cho hàng nhập từ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trước đây.  Tuy nhiên, đại diện VIFORES cũng nhận thấy thách thức lớn khi sản phẩm gỗ Hàn Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá cạnh tranh. 

Hàn Quốc là thị trường khó tính
Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT), Hàn Quốc là một trong những thị trường khó tính. Hoa quả nhiệt đới của Việt Nam xuất sang nước này phải đảm bảo không có dịch hại và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện hoa quả Việt Nam xuất sang Hàn Quốc và Nhật Bản đang chịu mức thuế cao, có loại đến 40%. Với FTA được ký kết, lượng tiêu thụ có thể tăng lên, Việt Nam sẽ xuất khẩu được nhiều hơn.