Cảnh báo trào lưu “làm liều” trong các hội nhóm trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hàng chục hội, nhóm công khai với hàng nghìn thành viên mỗi nhóm đăng lên 'thế giới ảo' những nội dung kích động như rủ nhau cướp tài sản, cướp ngân hàng, mượn súng... và rồi đã có những hành vi phạm tội thật xảy ra.

Muôn hình vạn trạng những hội nhóm... rủ nhau gây án

Mạng xã hội ngày càng tạo môi trường tiện lợi cho những người có chung sở thích ở khắp mọi nơi, chia sẻ niềm đam mê, trao đổi thông tin nhanh chóng, kết nối bạn bè. Hiện nay, số lượng hội, nhóm trên các mạng xã hội ngày càng gia tăng. Bên cạnh những nhóm có chung sở thích hữu ích thì cũng không thiếu nhóm, cộng đồng rủ nhau "làm liều" trên mạng xã hội xã hội, sau đó tập hợp lại để cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội.

Đây là thực trạng đáng báo động và cho thấy một mặt trái khác của mạng xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Rủ nhau đi cướp ngân hàng, rủ nhau buôn bán tiền giả, thậm chí rủ cả nhau hoạt động môi giới mại dâm, mua bán người, buôn ma túy... những dòng trạng thái về những ý tưởng điên rồ, giờ đã không khó để bắt gặp ở những cộng đồng, hội nhóm trên mạng xã hội. Đáng chú ý, các hội nhóm như: "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" hay nhóm "Túng quẫn làm liều" đang thu hút một lượng rất lớn người tham gia lên tới hàng nghìn...

Không hiếm những lời rủ rê như thế này trên các hội nhóm công khai

Không hiếm những lời rủ rê như thế này trên các hội nhóm công khai

Theo Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, khi tham gia các hội nhóm như thế trên không gian mạng, sẽ tạo ra sự mất an toàn xã hội vì các đối tượng kích động nhau. Có thể bản thân mình chưa có ý định thực hiện hành vi phạm tội, nhưng khi vào các hội nhóm như thế sẽ bị rủ rê cộng với hoàn cảnh thực tại của mình sẽ thúc đẩy hành vi phạm tội cao hơn. Trên mạng xã hội, chỉ một sự việc nhỏ thôi nhưng khi có hiệu ứng đám đông sẽ thành một vụ việc lớn, khó có thể lường trước được hệ lụy và hậu quả.

Và cụ thể thì, những lời rủ rê trên các hội nhóm này đã thành hiện thực. Điển hình như vụ cướp ngân hàng gây chấn động dư luận xảy ra trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm vào ngày 7-3 vừa qua. Nguyễn Văn Hiếu (SN 1991) trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981), trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cùng nhau bàn kế hoạch cướp ngân hàng.

Bọn chúng mặc áo mưa, bịt mặt, đeo khẩu trang, găng tay, điều khiển xe máy không biển kiểm soát giả dạng khách hàng đến ngân hàng để giao dịch. Khi đến lượt, Hiếu đã đe dọa nhân viên, còn Tùng cầm dao khống chế bảo vệ. Rồi tiếp theo, Hiếu đã xông vào bên trong quầy giao dịch cướp đi hơn 530 triệu đồng. Tại cơ quan công an, Hiếu và Tùng thừa nhận kết nối với nhau qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội và rủ nhau thực hiện hành vi cướp tài sản.

Nhóm đối tượng cướp tài sản cửa hàng điện thoại tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội kết nối nhau qua hội những người vỡ nợ muốn làm liều

Nhóm đối tượng cướp tài sản cửa hàng điện thoại tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội kết nối nhau qua hội những người vỡ nợ muốn làm liều

Đáng chú ý, Nguyễn Văn Hiếu còn tham gia một nhóm khác và đã kết nối với Nguyễn Bùi Hậu, trú tại Hải Phòng để làm giấy tờ giả, thuê ô tô tự lái và dự định bán để kiếm tiền trả nợ.

Cách thời điểm xảy ra vụ cướp ngân hàng này khoảng 2 tháng, một vụ cướp cửa hàng điện thoại mạnh động khác do 3 đối tượng quen biết nhau qua hội “những người vỡ nợ muốn làm liều” gây ra ra tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho sự nguy hiểm và những ảnh hưởng tiêu cực của những hội nhóm kiểu này đến đời sống xã hội.

Chặn nguy cơ từ những nhóm rủ nhau gây án trên mạng xã hội

Theo Trung tá Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân, đây là tình trạng rất đáng báo động, nếu như không có sự phát hiện một cách kịp thời, việc xử lý đối tượng không đủ sức răn đe thì có thể là cơ sở cho các hội nhóm khác được thành lập, thậm chí là các đối tượng đã tham gia các hội nhóm sẽ thực hiện một cách bài bản, liều lĩnh hơn. “Có thể thấy rằng, nếu không tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cũng như quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa đối với các hội nhóm được thành lập trên mạng xã hội, trong thời gian tới sẽ trở thành chỗ cho đối tượng tìm kiếm, mở rộng thêm đồng phạm khi thực hiện các hành vi phạm tội khác nhau” - Trung tá Nguyễn Thị Thanh Thùy nhìn nhận.

Thậm chí mượn cả súng trên hội nhóm công khai

Thậm chí mượn cả súng trên hội nhóm công khai

Theo pháp luật hiện hành, những hành vi lợi dụng không gian mạng để rủ rê, cổ xúy, kích động bạo lực như thế này có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu nội dung kích động, lôi kéo này được thực hiện, người đăng tải các nội dung kích động còn bị quy trách nhiệm là đồng phạm trong vụ việc.

Thời gian tới, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm soát hoạt động của hội nhóm trên mạng xã hội, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người dân cũng cần cẩn trọng trước mỗi nội dung đăng tải, hoặc tiếp nhận trên internet. Đừng vì một phút bốc đồng mà tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Nói về thủ đoạn của các đối tượng liên kết trên không gian mạng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội cho biết: "Các đối tượng gắn kết với nhau trên các trang mạng xã hội rất đa dạng, đã được cơ quan công an nhận diện, cảnh báo sớm. Thời gian tới, trong hoàn cảnh hậu Covid-19, nhóm tội phạm về trộm cắp tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ được CATP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để đảm bảo ANTT, việc đầu tiên là mỗi người dân phải có sự tự phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với công an cơ sở để khi có dấu hiệu tội phạm xảy ra, lực lượng chức năng sẽ nhận được thông báo sớm nhất để vào cuộc kịp thời đấu tranh triệt phá".