Cảnh báo nguy cơ mất an toàn tại các trạm biến áp

ANTD.VN - Sau vụ nổ trạm biến áp tại Hà Đông hôm 17-11-2016 khiến cho 5 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ an toàn của các trạm biến áp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua khảo sát của phóng viên cho thấy, có rất nhiều các trạm biến áp nằm trong khu dân cư hiện tại không đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn hành lang lưới điện, các quy định về phòng chống cháy nổ. Điển hình như trạm biến áp Cầu Diễn 34, có công suất là 400KVA – 22/04KV có hộp cứu hỏa nhưng bên trong không thấy có bình cứu hỏa như quy định.

Hay như trạm biến áp trước cửa hàng Dũng Lan số 42 Phùng Hưng. Cửa hàng nằm sát ngay cạnh trạm biến áp. Ai đi qua cũng phải rùng mình vì hệ thống dây điện lớn ngang dọc của trạm, chiều cao của cột cao hơn so với mái che của cửa hàng, xung quanh trạm người dân che ô, bạt. Nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả thật khôn lường.

Trạm biến áp trước cửa hàng Dũng Lan số 42 Phùng Hưng

Trạm biến áp trên đường Lý Nam Đế cũng khiến cho người đi qua phải giật mình. Trạm biến áo cao bằng với tầng thứ hai của ngôi nhà, với đủ các loại dây với các kích cỡ khác nhau. Khoảng cách từ cột đến cửa ngôi nhà chưa đến 1m.

Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2104 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật về an toàn điện gồm: An toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện trong sản xuất  bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp.

Trạm biến áp cổng làng cốm Vòng

Theo đó, khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp đến 22KV là từ 1 - 2m, tùy theo dây bọc hay dây trần và khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc như nhà ở hay công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải cách xa ít nhất 4m.

Trạm biến áp Nguyễn Văn Tố 2

Vụ nổ trạm biến áp ở Hà Đông còn cho thấy, tình trạng lấn chiếm diện tích khu vực trạm biến áp để kinh doanh. Trong 5 nạn nhân bị thương có 3 nạn nhân là khách hàng ngồi uống trà đá, 2 nạn nhân còn lại chính là chủ quán trà đá.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều các cửa hàng ăn, uống tự phát mọc lên ngay dưới chân các cột biến áp. Điều này là mối nguy hiểm tiềm ẩn khi các sự cố về chập, cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ví dụ tiêu biểu là trạm biến áp Phùng Hưng 2.1 có công suất lên tới 1000KVA-22/04KV, vậy mà quán ăn được mở ngay dưới chân cột trạm biến áp, chủ quán còn tận dụng cột để che bạt. Điều này là điều vô cùng nguy hiểm nếu như có sự cố xảy ra.

Một quán ăn tồn tại ngay chân trạm biến áp trên phố Phùng Hưng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ trạm biến áp như: tràn dầu, các sự cố chập cháy điện... Hà Nội hiện tại đang ở trong những ngày chuyển giao mùa, thời tiết hanh khô nên nguy cơ chập, cháy rất cao. Các cơ quan chức năng và những hộ gia đình sống gần trạm biến áp nên có các biện pháp phòng, cháy để bảo vệ an toàn cho tính mạng và của cải.