Cảnh báo lũ sớm ở đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động hay bị động?

ANTĐ - Mưa lũ nghiêm trọng làm nhiều người không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng dự báo chính xác mưa lũ để các tỉnh chủ động đề phòng từ sớm.

Lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cơ quan khí tượng dự báo từ sớm?

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, tính tới chiều 6-10, đợt lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) đã làm 18 người bị thiệt mạng, 30.591 căn nhà bị ngập, đặc biệt đã làm 6.073ha lúa vụ ba ở các tỉnh trọng điểm của vựa lúa như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… mất trắng. Ngoài ra, nước lũ còn nhấn chìm 1.400ha hoa màu và 1.352ha nuôi trồng thủy sản. Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên mưa vẫn còn tiếp diễn,  nước lũ vẫn đang lên, thiệt hại chưa dừng. Mưa lũ nghiêm trọng làm nhiều người không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng dự báo chính xác mưa lũ để các tỉnh chủ động đề phòng từ sớm.

Tuy nhiên, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Trung ương khẳng định tại báo cáo về diễn biến tình hình mưa lũ tại ĐBSCL và công tác dự báo phục vụ, Trung tâm đã chủ động cảnh báo lũ ở khu vực này từ rất sớm. Ông Tăng cho rằng, về thời gian truyền lũ và tổng lưu lượng lũ thì năm nay vẫn bình thường, nhưng một phần do phát triển quá mức vụ 3 đã gây cản trở đến thoát lũ. Ngoài ra, đỉnh lũ xuất hiện cùng lúc với đỉnh triều cường làm gia tăng mức độ ngập vùng hạ lưu, hầu hết các trạm có mực nước đỉnh triều đều cao hơn mức báo động (BĐ) III từ 0,1-0,3m và cao hơn mức lịch sử năm 1996, 2001 và 2002.

Lũ lớn, gây nhiều thiệt hại song Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Trung ương khẳng định, ngay từ tháng 4, Trung tâm đã nhận định được khả năng xuất hiện một đợt lũ sớm và đỉnh lũ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Đến tháng 7, trong bản tin bổ sung về nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa, lũ năm 2011, Trung tâm cũng nhận định đỉnh lũ trên sông Cửu Long sẽ đạt mức BĐ  III và xuất hiện vào đầu tháng 10-2011.

Trung tâm DBKTTV Trung ương đã phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và các trung tâm dự báo của các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ xảy ra trên sông Mê Kông cũng như vùng ĐBSCL, cảnh báo và dự báo sớm, kịp thời tình hình lũ. Các bản tin dự báo, cảnh báo lũ và lũ khẩn đều được chuyển kịp thời cho các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng… Tổng cộng, tới ngày 4-10, Trung tâm đã đưa ra 27 bản tin về lũ ở ĐBSCL, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng phát 19 bản tin. Ông Tăng khẳng định: “So với các bản tin của Trung tâm Cảnh báo lũ tại Phnôm Pênh thuộc Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) đưa ra vào ngày 15-8 thì chậm hơn của Việt Nam 5 ngày. Trong khi ngày 22-9, MRC nhận định khoảng ngày 27-9, lũ tại Tân Châu sẽ lên mức BĐ II thì Việt Nam đã dự báo ngày 26-9 lũ tại Tân Châu lên mức BĐIII”.

Giám đốc Bùi Minh Tăng cũng thừa nhận một khó khăn là do lưu vực sông Mê Kông lớn, nằm trên lãnh thổ của 6 nước, mạng lưới trạm đo thủy văn còn thưa, các thông tin về hồ chứa của các nhánh sông lớn và dự báo mưa trên lưu vực còn hạn chế, nên việc dự báo quá trình lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long chỉ có thể đưa ra trước được tối đa 5 ngày. Việc dự báo quá 5 ngày chỉ mang tính chất tham khảo, đặc biệt là dự báo tháng và nhận định đỉnh lũ năm trong các bản tin nhận định mùa (trước 4-5 tháng). “Việc dự báo lũ lớn, lũ cực trị trước khoảng thời gian dài đang còn nhiều hạn chế đối với các nhà dự báo ở trong nước và trên thế giới” - ông Tăng phân tích.