Cảnh báo gia tăng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

ANTĐ - Đúng thời điểm các địa phương đang phát động Tháng hành động về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, ngày 18-4, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã hoảng hồn khi phát hiện có dòi bò ra từ suất ăn trưa tại nhà máy. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn đang là một nỗi ám ảnh đối với cộng đồng. 

Cảnh báo gia tăng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể ảnh 1

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thực phẩm trong khu công nghiệp (ảnh minh họa)

Chế biến, bảo quản kém gây ngộ độc

Vụ việc tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể hiện nay, nhất là bếp ăn tập thể của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Trên thực tế, hàng năm, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể thường gia tăng mạnh vào mùa hè. Tại Hà Nội, cũng thời điểm này năm ngoái, đã liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của công nhân.

Trong đó, vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) xảy ra ngày 7-4-2015 đã khiến 107 công nhân phải nhập viện; còn vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) ngày 10-5-2015 có 55 người phải nhập viện.

Đáng chú ý, ngay cả các bếp ăn khá sạch sẽ, đảm bảo các điều kiện về ATTP theo quy định nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng nực mùa hè khiến thức ăn rất nhanh bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, hư hỏng. 

Thống kê của Cục ATTP - Bộ Y tế cho thấy, năm 2015, riêng tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra hơn 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 3.000 người phải nhập viện. Trong đó, có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể do cơ sở cung cấp thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh, nguồn thực phẩm kém chất lượng, còn lại hơn 30% nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh bếp ăn tại chỗ.  

Khó kiểm soát thức ăn mang từ ngoài vào

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chiều 21-4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, về vụ việc công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (Mỹ Lộc, Nam Định) đình công vì phát hiện trong suất ăn có dòi, hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đang điều tra làm rõ trên tinh thần rất thận trọng. Nhiều khả năng đây không phải là một vụ thực phẩm bẩn mà có thể có các nguyên nhân khác. Lý do bởi các suất ăn cung cấp cho công nhân là thức ăn đã được nấu chín trong ngày nên khó xảy ra chuyện dòi sống bò ra từ đĩa thức ăn được. 

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, vấn đề đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp - khu chế xuất đã có quy định chặt chẽ từ nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nước, phụ gia… cho đến những quy định về thủ tục hành chính như bắt buộc các bếp ăn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát, 70% vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến (các doanh nghiệp cung cấp suất ăn bên ngoài nhà máy) nên việc kiểm soát khó khăn hơn. 

Một nguyên nhân nữa khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa các bếp ăn tập thể là do xu hướng sử dụng các bữa ăn giá rẻ rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân với giá chỉ từ 9.000-12.000 đồng/ suất ăn, chưa kể tới lợi nhuận của người nấu bếp, cơ sở cung cấp suất ăn nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn.

“Tôi đã trực tiếp xuống xóm trọ công nhân và chứng kiến bữa cơm của công nhân thậm chí chỉ có 4.000 đồng/ suất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, suất ăn thấp nhưng rất nhiều công nhân, nhà máy vẫn chấp nhận vì nếu nâng giá trị suất ăn lên thì công nhân sẽ bị giảm lương. Đây chính là vấn đề khó trong việc quản lý ATTP trong các bếp ăn khu công nghiệp hiện nay” - Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nói.  

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi
Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, đa số công nhân trong các khu công nghiệp có tuổi đời rất trẻ, và nữ giới chiếm phần đông. Do đó, việc thường xuyên ăn những bữa ăn không đảm bảo vệ sinh sẽ ảnh hưởng tới nòi giống.

Để khắc phục, Cục ATTP đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tiêu chí về lượng kalo tối thiểu trong một bữa ăn cho công nhân. Cục ATTP đề xuất, tới đây, dứt khoát không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP cung cấp suất ăn cho công nhân.