Cảnh báo đuối nước, những cái chết được báo trước

ANTD.VN - Trong một kỳ nghỉ hè, lực lượng cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã phải thực hiện trên 40 lượt tìm kiếm cứu nạn tại các sông hồ trên địa bàn, trong đó hầu hết là các vụ nạn nhân đã bị tử vong do đuối nước...

Biết bơi cũng... đuối nước

Ngày 24-5, ông Nguyễn Huy Hiển, Trưởng Công an xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì cho biết, địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến nạn nhân là anh Đặng Văn H (SN 1995), ở thôn Tân Hà, xã Diên Hà, huyện Thanh Trì tử vong. Điều đau xót là nạn nhân biết bơi nhưng vẫn tử vong.

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trước đó một nhóm thanh niên trong đó có anh H đã rủ nhau ra hồ Đông Trạch, xã Ngũ Hiệp tắm. Trong lúc tắm cùng bạn, anh H bị chuột rút, nhưng do mọi người mải chơi đùa nên không phát hiện ra sự việc. Cho đến khi nhóm bạn lên bờ không thấy H đâu, đã báo người dân tìm kiếm thì sự việc đã quá muộn.

Lực lượng CNCH Phòng Cảnh sát PCCC số 12, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội tìm kiếm cứu nạn vụ chết đuối tại huyện Thường Tín

Trước đó, tại sông Cà Lồ, đoạn qua địa bàn xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, 5 em học sinh đã tử vong do đuối nước. Trong 5 em học sinh xấu số, có 2 em là học sinh trường THCS Việt Long, 2 em là học sinh trường Tiểu học Việt Long và 1 em sinh năm 2012, đang học mầm non.  Cùng thời gian này, tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh tử vong. Theo tìm hiểu của phóng viên, giữa trưa hè oi ả, 5 em đã rủ nhau đi bơi sông và sau đó người thân không thấy về. Khi báo lực lượng chức năng tìm kiếm thì phát hiện cả 5 em đã tử vong do đuối nước.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 huyện Thường Tín cho hay: “Hầu như năm nào lực lượng CNCH của đơn vị cũng tham gia tìm kiếm vài vụ đuối nước tại địa bàn và có những em bơi rất giỏi, nhưng vẫn bị đuối nước. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do vào những ngày hè, thời tiết nắng nóng, trẻ em thường rủ nhau tắm ở hồ, sông, ao... Do thiếu các kỹ năng bơi lội như: không khởi động kỹ trước khi xuống nước, không làm mát thân thể khi tiếp xúc với nước... nên các em rất dễ bị đuối nước”.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, các vùng ngoại thành ngoài sông - hồ, còn có hố sâu do những công trình để lại. Khi mưa xuống tích nước nhiều trẻ em thấy hố có nước là nhảy xuống tắm, dễ bị đuối nước. Bởi vì thông thường những hố nhân tạo do máy móc tạo hàm ếch, hầm hố khi bị tụt xuống lạnh đột ngột dễ cảm và dẫn đến việc thiếu phản xạ tự nhiên sẽ dẫn đến tử vong do đuối nước.

Vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại sông Cà Lồ khiến 5 học sinh tử vong

Theo chuyên gia bơi lội Đào Đức Hiếu, người đã từng huấn luyện bộ môn bơi tại Trung tâm huấn huyện thể thao - Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: “Kỹ thuật bơi không phải các em học mà có được, bởi khi xuống nước có nhiều tình huống xảy ra ngay cả người biết bơi thiếu kinh nghiệm cũng dễ bị đuối nước. Chính vì thế, việc đầu tiên khi xuống nước phải làm cho thân thể thích nghi với nước và phải khởi động từ 5 đến 10 phút trước khi bơi. Hiện các vụ đuối nước xảy ra trong thời gian qua phần lới do các em đang đi nắng, thời tiết nóng đã cởi quần áo nhảy thẳng xuống sông, hồ tắm. Bị cảm đột ngột hoặc quần thảo nhiều giờ gây cảm dẫn đến ngất dưới nước rồi đuối nước. Phần còn lại, một số em không biết bơi đã theo các anh lớn hơn xuống sông, hồ tắm và trượt chân dẫn đến tử vong”.

Trang bị kiến thức cho các em trong mùa hè

Đầu hè năm 2018, dù chưa có số liệu thống kê của ngành chức năng về tình trạng tai nạn thương tích trẻ em cũng như trẻ em bị đuối nước, nhưng trên thực tế đã có các vụ đuối nước xảy ra tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Những tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em xảy ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con trẻ và công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung, vấn đề đuối nước ở trẻ em nói riêng, năm nào cũng được nhắc đến nhưng vẫn không hề giảm. Chính vì vậy, chúng ta cần có các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trực tiếp, thiết thực và hiệu quả hơn.

Cảnh báo tình trạng đuối nước vào mùa hè

Cần khẳng định rằng, vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em thuộc về các bậc cha mẹ, bởi lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách xây dựng tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.

Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động cho các trẻ em học kỹ năng bơi lội và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, suối khi không có sự quản lý của người lớn.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ: “Trong nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cũng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu trẻ em bị đuối nước đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra, cụ thể khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào, như vậy việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi,vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước. Để kịp thời cứu chữa khi gặp tình huống đuối nước, cần phổ biến kỹ năng cho cộng đồng nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra”.

Phương pháp cứu, hô hấp người bị đuối nước

Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, cán bộ Trung tâm y tế quận Đống Đa, Hà Nội: “Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy, sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế gần nhất”.

Cũng theo bà Lê Thị Thanh Thủy, động tác hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực là một thao tác đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất lớn trong mọi trường hợp bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước.