Cảnh báo dịch vụ cho vay ngang hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN -  Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), hoạt động cho vay ngang hàng ( P2P lending ) của nước ngoài hiện đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc có thể gây rủi ro, nếu không được quản lý và giám sát chặt chẽ.

Cần hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ để cho vay ngang hàng không biến tướng

Cần hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ để cho vay ngang hàng không biến tướng

Theo Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế của Bộ KH-ĐT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ KH- ĐT cho biết, các loại hình P2P lending, Fintech đang phát triển nhanh tại Việt Nam trong khi khuôn khổ luật pháp về ngành, nghề đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh đối với loại hình P2P lending còn thiếu.

Các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Bộ KH-ĐT cho rằng, hoạt động của mô hình P2P lending có mang lại ảnh hưởng tích cực nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, có thể phát sinh nhiều biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, nhất là có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

Theo Bộ KH&ĐT, thông qua hình thức trực tuyến, các công ty P2P lending thực hiện hoạt động kết nối giữa người vay và người cho vay. Các tác nhân tham gia trong mô hình P2P lending gồm có: Công ty P2P Lending; người đi vay; người cho vay; ngân hàng; công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ...

Trường hợp bên cho vay đồng ý cho vay tiền thì bên vay và bên cho vay sẽ giao kết thỏa thuận tài chính, trong đó thống nhất với nhau về lãi suất, nghĩa vụ giải ngân của bên cho vay, nghĩa vụ thanh toán khoản vay, tiền lãi và phí (nếu có) của bên vay... Trong mô hình kết nối này, mặc dù các chủ thể tham gia là độc lập, mỗi chủ thể đều có vai trò, quyền lợi và trách nhiệm riêng.

Dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT cho biết, từ năm 2016, mô hình P2P lending bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Hiện số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Việt Nam là khoảng 100 công ty (đã hoạt động và một số thử nghiệm).

Trong đó, một số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia... mặc dù mới xuất hiện nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng doanh nghiệp và khách hàng.

Thực tế cho thấy, vừa qua tại một số địa phương đã xuất hiện đối tượng sử dụng các hình thức cho vay qua ứng dụng điện tử, công nghệ (qua các app trực tuyến).

Với điều kiện vay dễ dãi, nhiều người vay tiền bị hấp dẫn vào các mô hình này. Tuy vậy, người vay phải chịu lãi suất, chi phí rất cao, nếu không trả đúng hạn sẽ bị phạt nặng và gánh rủi ro lớn.

Trước vấn đề phát sinh như trên, hệ thống pháp luật lại chưa đầy đủ và còn nhiều lỗ hổng, Bộ KH-ĐT cho rằng, cần hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng và duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bộ KH-ĐT cũng đề xuất NHNN Việt Nam cần chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech; Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech và P2P lending phù hợp tại Việt Nam, tiến tới xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho lĩnh vực này.