Cảnh báo dấu hiệu bất thường từ đôi bàn tay

ANTĐ - Trong y học đặc biệt là Đông y, các thầy thuốc chẩn đoán bệnh không chỉ bằng việc bắt mạch mà còn kiểm tra nhiều bộ phận trên cơ thể như: mắt, mũi, miệng, tai, lưỡi… nhất là không thể bỏ qua đôi bàn tay. Dựa vào cách này rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đã được chẩn đoán đúng và có phương pháp chữa trị kịp thời.

Da tay bong tróc: Việc tẩy da chết, sử dụng các hóa chất trong công việc nội trợ cũng có thể gây ra hiện tượng trên. Nếu lớp da chết này thường xuyên bong tróc sẽ làm cho làn da mỏng dần, giảm khả năng miễn dịch và các vi khuẩn, tế bào nấm rất dễ xâm nhập gây ra một số bệnh nấm chân tay hoặc nhiễm trùng da. Trong trường hợp này bạn nên bổ sung các nguồn thực phẩm giàu canxi và vitamin A, cũng có thể tìm kiếm cho mình một bác sĩ da liễu để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Thay đổi màu sắc: Da tay đỏ một cách bất thường có thể bạn bị huyết áp cao hoặc cường giáp, nếu da tay có màu vàng hoặc xám có thể bạn bị các bệnh về gan, túi mật hay thương hàn, giảm thị lực. Nếu bàn tay màu trắng xanh và nổi nhiều gân là dấu hiệu cảnh báo bạn bị suy nhược, khí huyết xấu. 

Nhiệt độ không ổn định: Nếu bạn bị lạnh tay, chân và thường xuyên rụng tóc, đôi khi đãng trí có thể đó là do giảm hoạt động của tuyến giáp, ngoài ra có kèm theo cảm giác tê buốt như kim châm là do bạn đang thiếu vitamin B12. Vào mùa đông điều này có thể là bình thường nhưng bạn tuyệt đối không thể bỏ qua triệu chứng này nếu có kèm theo một số triệu chứng nguy cơ cảnh báo khác. Nếu da tay nóng một cách bất thường, thậm chí có cảm giác như bị bỏng rát trong lòng bàn tay đó là hậu quả bạn bị nhiễm độc nặng bởi một số hóa chất, ma túy và rượu gây ra.

Ra mồ hôi tay: Hàng ngày chúng ta ai cũng có thể bị ra mồ hôi tay, nó gây ra một số bất tiện trong công việc cũng như giao tiếp và khiến cơ thể mất nước, muối, mệt mỏi. Nguyên nhân đơn giản có thể do bạn có cảm giác bồn chồn, lo lắng hay bị stress, hay phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh… Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng khiến tay thường xuyên ra mồ hôi như khối u di căn chèn ép các dây thần kinh tủy sống, hạ đường huyết hoặc bệnh tiểu đường.

Ngứa trong lòng bàn tay: Nhìn bằng mắt thường chúng ta có thể thấy da tay không có màu hồng đều nhau, có nhiều đốm trắng rất có khả năng bị nhiễm nấm và ghẻ ngứa do một loại ký sinh trùng gây ra. Nếu thấy ngứa ở 2 ngón tay trỏ có thể do các vấn đề rối loạn chức năng của ruột kết hoặc túi mật. 

Đau khớp ngón tay: Ngoài các vị trí như cổ tay, khớp ngón chân, khớp gối, cổ chân thì phần lớn các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có biểu hiện đau ở khớp bàn và ngón tay với tỷ lệ lên tới 90%. Đây cũng là biểu hiện chứng bệnh “nhà giàu” – bệnh gout, tuy nhiên cũng cần phải phân biệt với biểu hiện của bệnh tim mạch vành cũng có những biểu hiện đau ở những ngón tay cái và tay trỏ. 

Tê bì chân tay: Ở những người có thể trạng gầy gò, thể lực kém, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em kém hấp thu thức ăn có thể gặp những cảm giác này do bị thiếu một số 

vitamin B1, B12 và một số khoáng chất như kali, canxi, axit folic… Nặng hơn có thể là do các dây thần kinh ở chân tay bị chèn ép gây tê liệt thần kinh cảm giác. Ngoài ra, do rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì và xơ vữa động mạch sẽ làm mất dần cảm giác ở tứ chi, nếu để lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ và liệt.