Cảnh báo cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm, sinh nhiệt trong mùa đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã có nhiều vụ cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm, sinh nhiệt, sấy đồ trong mùa đông gây thương vong cho người sử dụng. Nhiều năm qua, những vụ tai nạn, sự cố do thiết bị này gây ra đã trở thành hiểm hoạ luôn rình rập đến sức khỏe người dân, nhưng do thói quen sinh hoạt và sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người sử dụng đã là những nguy cơ cháy, nổ.
Thiết bị sưởi phòng tắm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do cách sử dụng không đúng

Thiết bị sưởi phòng tắm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do cách sử dụng không đúng

Hiểm họa từ đèn sưởi buồng tắm

Ngoài bình nóng lạnh thì đèn sưởi buồng tắm được nhiều người dân lắp đặt trong phòng tắm để sử dụng vào mùa đông.

Việc trang bị thiết bị không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, cộng với người sử dụng lạm dụng nhưng không có kiến thức, kỹ năng về an toàn phòng cháy, đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Hẳn chúng ta còn nhớ vụ nổ đèn sưởi trong nhà tắm xảy ra vào cuối năm 2020, tại một gia đình ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đã gây thương tích cho một cháu bé...

Vụ việc được cơ quan Công an điều tra, xác định do bóng đèn sưởi gặp sự cố kỹ thuật, đã phát nổ. Rất may, nạn nhân chỉ bị thương và kịp thời đưa đi cấp cứu nên đã không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong những năm gần đây, cùng với đèn sưởi trong nhà tắm còn có quạt sưởi và chăn điện được người dân sử dụng vào mục đích sưởi ấm vào mùa đông.

Trong điều kiện ở trạng thái bình thường, quạt sưởi cũng đã tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay vẫn chỉ sử dụng một cách thông thường mà quên đi mức độ an toàn phòng cháy ở khoảng cách giữa đèn và vật dụng trong nhà. Sự lơ là này chính là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ.

Tháng 12-2018, tại địa bàn quận Đống Đa đã xảy ra vụ cháy do chập chăn điện. Rất may không có thiệt hại về người. Được biết, chăn điện được chủ nhà mua từ chợ cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

Đến thời điểm xảy cháy, chăn điện đã được chủ nhân sử dụng mùa đông thứ 2. Sau khi cất bảo quản trong mùa hè, đến thời điểm tháng 12 thời tiết lạnh chủ nhân đã mang ra dùng, nhưng không kiểm tra trước, khi cắm điện để nóng chuẩn bị đi ngủ đã chập và dẫn đến cháy sau đó xảy cháy lan ra toàn bộ căn nhà.

Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội phân tích: “Đèn sưởi là vật phát nóng sinh nhiệt độ cao, có thể làm cháy các vật dụng để sát nó. Tại sao những thiết bị này hay xảy cháy về ban đêm và vào mùa đông, bởi lẽ đây là thời điểm người sử dụng ngủ say, thiết bị hoạt động thời gian dài, xung quanh để đồ vật như chăn, màn, đệm sẽ gây ra cháy, nổ.

Nhiều người không chỉ vi phạm khoảng cách giữa thiết bị và đồ vật dễ cháy, mà còn kê hẳn lên đệm ở thời tiết lạnh cóng để dễ ngủ. Do đêm xuống, nguồn điện biến động theo biên độ mạnh, thiết bị lại kém sẽ dẫn đến làm nổ bóng sinh nhiệt gây cháy, nhưng người dùng không biết do ngủ say”.

Vụ cháy, nổ đèn tắm tại phố Hoàng Hoa Thám

Vụ cháy, nổ đèn tắm tại phố Hoàng Hoa Thám

Đối với những đèn sưởi trong phòng tắm, nguyên nhân cháy, nổ cũng xuất phát từ nguồn điện và do cả không gian khắc nghiệt.

Đèn nung nóng khi phòng tắm bốc hơi nước ngưng tụ tại các bóng gặp nhau ở nhiệt độ nhất định gây cháy, nổ.

Do đèn này thường lắp đặt phía trên tường hoặc trên nhà, luôn ở phía đầu người sử dụng nên khi chập, cháy, nổ thường dẫn đến bị thương do mảnh vỡ thủy tinh bắn vào.

Khuyến cáo cách dùng đồ sưởi ấm an toàn

Đây là những thiết bị tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ dễ gây hậu quả cho người sử dụng. Do đó, để nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho cháy, nổ từ những vật dụng, thiết bị điện trong gia đình, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an các quận, huyện triển khai các biện pháp an toàn phòng cháy, trong đó chuyên đề an toàn cháy nổ mùa hanh khô có nội dung chuyên sâu về các thiết bị sưởi ấm.

Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cách sử dụng điện, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại quận, huyện đã tập trung hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, cán bộ phụ trách địa bàn khuyến cáo người dân lắp đặt thiết bị sưởi ấm trong phòng tắm an toàn, đúng kỹ thuật. Trong đó, việc đầu tiên phải đặt tại vị trí không bị bắn nước vào sẽ dễ gây cháy, nổ. Trong trường hợp hạn chế về không gian nhưng vẫn lắp đèn sưởi, cần có tấm kính hoặc giá đỡ đủ để các mảnh vụn bị vỡ không bắn vào người.

Chăn điện bị chập cháy xảy ra tại quận Đống Đa năm năm 2018

Chăn điện bị chập cháy xảy ra tại quận Đống Đa năm năm 2018

Để đảm bảo an toàn, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo: “Khi sử dụng quạt sưởi và đèn sưởi trong phòng tắm cần lưu ý hàng đầu là các thiết bị ổ cắm, dây dẫn phải đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Do tuổi thọ nhất định, nên phải kiểm tra kỹ lưỡng dây dẫn trước khi dùng.

Ngay từ khi mua về tham khảo cách sử dụng, đọc hướng dẫn, lưu ý lại các điểm chính cần thiết là công suất, điện áp, mức nhiệt, khoảng cách đặt, vị trí đặt..., để có thể đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không cắm quạt sưởi vào ổ cắm vượt qua mức điện áp quy định dễ xảy ra cháy, nổ, hư hỏng thiết bị.

Các nguyên tắc hoạt động này phải phổ biến cho người trong nhà cùng biết.

Lưu ý không cắm quạt sưởi khi có trẻ ở nhà khi không có người lớn trong nom, quan sát. Nơi đặt quạt sưởi phải thoáng, không đặt gần chăn màn, quần áo, giấy tờ dễ cháy.

Địa hình đặt bằng phẳng, đặt vững vàng để quạt sưởi không bị đổ gây bỏng.

Khoảng cách đặt tốt nhất là khoảng 1,5m. Tuyệt đối không đặt gần người, bởi luồng nóng tỏa ra không những làm khô da mà khi đặt gần có thể làm bỏng da, gây hại cho da nhất là trẻ em.

Cùng với đó, thiết bị điện nên duy trì chế độ nghỉ ngơi là cần thiết, tránh bật trong thời gian dài sẽ có thể gây cháy, nổ”.