Càng với, càng cao

ANTĐ - Theo Bộ Xây dựng, nếu xét chỉ số giá nhà trên mức thu nhập bình quân đầu người thì ở Việt Nam vào khoảng 26,6; ở khu vực Nam Á là 6,25 và ở Đông Á là 4,14. Theo tính toán của Liên hợp quốc, chỉ số giá nhà/thu nhập đầu người từ 3-4 là hợp lý.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến người làm công ăn lương, người nghèo hầu như không thể mua nổi nhà ở. Một Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận: “Với giá nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp. Tính lương cỡ bộ trưởng cũng phải mất 40 năm mới mua được nhà”.

Bộ trưởng thì đã có Nhà nước lo nhà, còn người thu nhập thấp, người nghèo? Tính từ năm 2000 đến tháng 6-2011, giá nhà đất đã tăng gấp 10 lần, cao hơn nhiều so với giá tiêu dùng tăng 2,2 lần, giá vàng tăng 7,3 lần, giá USD tăng 1,5 và lãi suất tiết kiệm tăng gần 2,2 lần. Bộ Xây dựng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá nhà cao là cơ cấu hàng hóa bất động sản thiếu cân đối, hầu như doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư loại nhà cao cấp. Thị trường thiếu loại nhà giá cả phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư, nhất là nhà ở cho thuê. Loại nhà cho thuê chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trên cả nước, trong đó nhà ở cho thuê tại đô thị là 13,6%. Đặc biệt, nhà ở chung cư tại các thành phố lớn chỉ là một góc nhỏ trong “chiếc bánh” bất động sản lớn.

Cụ thể, cả nước chỉ chiếm 4% trên tổng số nhà ở, riêng Hà Nội là 10%, TP.HCM chỉ có 6,3%. Giá nhà ở được “thổi” căng lên còn do thông tin quy hoạch, hiện tượng đầu cơ, kích giá và tâm lý mua bán. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất tăng cao trong thời gian dài vừa qua đâu phải do đầu cơ. Nếu đầu cơ cũng chỉ có thể gây sốt giá một thời gian nào đó, giỏi lắm là đẩy giá lên 10-15% chứ làm sao tăng đến hàng trăm phần trăm và kéo dài nhiều năm. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do quản lý bất động sản không minh bạch, không hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, tốc độ dân nhập cư tăng nhanh, nhu cầu về nhà ở ngày càng căng thẳng nhưng do hạn chế trong quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản, về quy hoạch và xây dựng chính là “thủ phạm” đẩy giá nhà tăng cao. Thực tế cho thấy, muốn hoàn thành một dự án phải mất 3-5 năm hoàn thành hàng loạt thủ tục hành chính và tiến hành xây dựng. Thời gian kéo dài, thủ tục phức tạp, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn nhiều cộng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng yếu kém là những nguyên nhân làm cho giá bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM thuộc loại cao “ngất ngưởng” trên thế giới.

Hơn nữa, nhà ở có liên quan chằng chịt tới nhiều ngành như đất đai, quy hoạch, tài chính, đầu tư xây dựng. Mỗi lĩnh vực lại thuộc chức năng quản lý của một cơ quan Nhà nước khác nhau. Các chính sách liên quan đến nhà ở mặc dù đã ban hành không ít nhưng chưa đồng bộ và thống nhất. Đặc biệt, các quy định thủ tục thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, lệ phí liên quan đến nhà ở vẫn rườm rà, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh nhà ở. Các quy định về tạo quỹ đất, giao đất, cho thuê đất còn mang nặng tính xin - cho...

Nhu cầu nhà ở ngày càng cao, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc đền bù, giải tỏa ngày càng tốn kém, giá nhà thu nhập thấp vẫn quá cao so với tiền túi của người nghèo, thu nhập thấp. Tất yếu họ càng với tới thì giá nhà lại càng cao, ước mơ ngày càng trở nên xa vời.

Tin cùng chuyên mục