Căng thẳng với NATO, Nga ban hành học thuyết hàng hải mới

ANTĐ - Vào hôm 26-7, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, học thuyết hàng hải mới của nước này sẽ tạo ra nền tảng pháp lí cho các hoạt động trên biển.

“Chúng tôi sẽ trình làng bản nháp của luật pháp về các hoạt động hàng hải trong tương lai gần, vốn được xây dựng dựa theo học thuyết hàng hải”, ông Rogozin cho biết.

Nga thay đổi chính sách vì tình hình chính trị quốc tế và muốn trở thành một cường quốc hàng hải trên thế giới

Phó Thủ tướng Rogozin cho biết, Tổng thống Putin đã thông qua học thuyết hàng hải mới, văn bản được điều chỉnh do sự thay đổi của tình hình chính trị quốc tế.

Văn bản sửa đổi khẳng định một sự hiện diện lớn hơn của Nga tại Đại Tây Dương và lên án việc NATO đặt cơ sở hạ tầng gần biên giới Nga là không thể chấp nhận.

“Ở biển Đen và Azov, cơ sở của chính sách hàng hải quốc gia mới đó là việc phục hồi và tăng cường bị thế chiến lược của Nga, cũng như duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực”, học thuyết ghi rõ.

Đối với chính sách hàng hải quốc gia trong khu vực, học thuyết này kêu gọi đảm bảo sự hiện diện ở Địa Trung Hải như một cơ sở lâu dài. Về phần các kế hoạch chiến lược cho tương lai, học thuyết quy định việc tăng cường thêm nhiều nguồn lực cho hạm đội biển Đen, cơ sở hạ tầng ở Crimea, và duyên hải của vùng lãnh thổ Krasnodar.

Nga cũng đang tập trung hơn vào Bắc Cực với việc sản xuất hydrocarbon và phát triển “Con đường biển Bắc”, vốn có thể thay thế cho những con đường truyền thống khi đi từ châu Âu sang Châu Á.

Phó Thủ tướng Rogozin tiết lộ, Nga sẽ đầu tư khoảng 4,3 tỉ USD cho chương trình phát triển Bắc Cực trong giai đoạn 2015 – 2020.