Căng thẳng tại biển Đông khiến người dân Châu Á lo sợ chiến tranh sẽ xảy ra

ANTĐ - Tại Philippines, 93% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc có thể gây chiến, con số này ở Nhật là 85%. Thậm chí ngay tại Trung Quốc, có đến 62% người được hỏi tin rằng, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến.
Trung Quốc lắp đặt trái phép điện thoại vệ tinh ở Hoàng Sa

Tân Hoa xã ngày 14-7 dẫn lời ông Quách Nghĩa Minh, một cán bộ của cái gọi là chính quyền “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc thành lập trái phép năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho biết, Trung Quốc đã cho lắp đặt 9 bộ điện thoại vệ tinh hàng hải trên một loạt đảo ở đây gồm: đảo Bắc, bãi Xà Cừ, đảo Cây, đảo Hải Sâm và một đảo chưa có tên thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc với đất liền của dân binh Trung Quốc đang trú ngụ trái phép ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. 

Căng thẳng tại biển Đông khiến người dân Châu Á lo sợ chiến tranh sẽ xảy ra ảnh 1
Trung Quốc mưu đồ thực hiện kế hoạch xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc
quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam thành trung tâm quân sự và du lịch


Hãng tin này cũng cho hay, trong thời gian gần đây, “chính quyền Tam Sa” đã cắt cử một nhóm công tác đến Hoàng Sa để xúc tiến lắp đặt các bộ điện thoại vệ tinh và hàng loạt thiết bị bắt tín hiệu không dây trên các đảo này.

Tân Hoa xã cho biết thêm, chính quyền tỉnh Hải Nam còn cho lắp đặt tủ thông tin vô tuyến điện và thiết bị UPS nhằm hỗ trợ cung cấp điện cho các đảo ở đây để các loại thiết bị thông tin liên lạc không bị tê liệt. 

Trung Quốc ngang nhiên yêu cầu Mỹ tránh xa căng thẳng trên Biển Đông

Hãng tin Reuters cho hay, ngày 15-7, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ cần để các nước trong khu vực tự giải quyết căng thẳng. Tuyên bố trên được phía Trung Quốc đưa ra sau khi Mỹ bày tỏ mong muốn các nước trong khu vực cần tìm cách hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng, nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và lớn tiếng yêu cầu toàn bộ tàu thuyền cũng như người dân của các nước sống tại khu vực này phải rút ngay khỏi quần đảo này do đã “xâm chiếm trái phép” quần đảo của Trung Quốc.

Căng thẳng tại biển Đông khiến người dân Châu Á lo sợ chiến tranh sẽ xảy ra ảnh 2

Xe thiết giáp đổ bộ của Mỹ tham gia tập trận trên biển Đông
cùng Philippines vào tháng 6 vừa qua (Ảnh Reuters)



Trung Quốc cũng lớn tiếng cảnh báo, các quốc gia nằm ngoài khu vực “cần tuân thủ chặt chẽ việc duy trì tính trung lập của mình", đồng thời "phải biết phân biệt phải trái, trắng đen và tôn trọng nỗ lực chung của các nước trong khu vực để đảm bảo hòa bình và ổn định”.

Trước đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chiến lược và các vấn đề đa phương Michael Fuchs tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng, những hành vi khiêu khích đơn phương của Trung Quốc đã làm dấy lên những quan ngại về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế.

Mỹ cũng bày tỏ mong muốn 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc có một “cuộc thảo luận thực chất và hiệu quả” để xem xét việc thực hiện nội dung của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà các nước đã ký kết năm 2002 để tiến đến thiết lập mộ Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Châu Á lo sợ sẽ có chiến tranh trong khu vực
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew công bố hôm 14-7 cho thấy, phần lớn người dân các nước châu Á lo ngại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc có thể dẫn tới chiến tranh trong khu vực.

Theo báo Wall Street Journal, khảo sát của Pew tại 44 quốc gia cho thấy mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng gia tăng ở châu Á. Tại Philippines, 93% người được hỏi cho rằng Trung Quốc có thể gây chiến, con số này ở Nhật là 85%. Thậm chí ngay tại Trung Quốc, có đến 62% người được hỏi tin rằng tranh chấp chủ quyền giữa nước nhà và các quốc gia láng giềng sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến.

Căng thẳng tại biển Đông khiến người dân Châu Á lo sợ chiến tranh sẽ xảy ra ảnh 3

Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam 



Và với cả quốc gia có mối quan hệ tốt với Trung Quốc như Hàn Quốc cũng có tới 83% người được hỏi lo ngại nguy cơ các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh sẽ dẫn đến xung đột vũ trang. Tổng cộng trong số 11 quốc gia châu Á, đa số người dân 9 nước quan ngại về nguy cơ chiến tranh. 

Khảo sát của Pew cũng cho thấy các nước châu Á đang ngày càng xích lại gần Mỹ sau những hành động khiêu khích và bắt nạt của Trung Quốc. Người dân 8 trong số 11 quốc gia châu Á đánh giá Mỹ là đồng minh số một. 

Ở Nhật, số người có thiện cảm với Trung Quốc chỉ là 7%. Con số này là 31% tại Ấn Độ, 38% ở Philippines và 56% tại Hàn Quốc. Trong khi đó, tỉ lệ người có thiện cảm với Mỹ cao hơn rất nhiều, lần lượt là 66%, 55%, 92% và 82%.