Căng thẳng Nga-Ukraine: Không thể loại Nga khỏi SWIFT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Giải quyết căng thẳng Nga-Ukraine bằng việc ngắt kết nối của Moscow khỏi SWIFT là không khả thi, bởi Nga và châu Âu có kim ngạch thương mại khá lớn.

Trong bối cảnh căng thẳng trên biên giới Nga-Ukraine đang leo thang, chính quyền Washington đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ chuẩn bị một số biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Moscow, nếu Điện Kremlin áp dụng các biện pháp quân sự với Ukraine.

Vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền ở Mỹ đã đưa ra dự thảo các biện pháp trừng phạt mới chống Nga mà một biện pháp trong đó là áp đặt hạn chế "đối với các nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt để trao đổi tin nhắn tài chính” (ví dụ như SWIFT - một hệ thống liên ngân hàng quốc tế để trao đổi dữ liệu và thanh toán, với sự kết nối của hơn 11 nghìn tổ chức lớn nhất trên toàn thế giới).

Bình luận về vấn đề này, người đứng đầu Ủy ban phía Đông của nền kinh tế Đức Oliver Hermes trong cuộc phỏng vấn với tờ WirtschaftsWoche đã nói rằng, việc ngắt kết nối của Nga với hệ thống của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính và Liên ngân hàng Toàn cầu, tiếng Anh: Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) sẽ tạo ra những vấn đề đáng kể cho các nền kinh tế phương Tây.

Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến Mỹ đe dọa sẽ ngắt Nga khỏi hệ thống SWIFT
Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến Mỹ đe dọa sẽ ngắt Nga khỏi hệ thống SWIFT

Ông Hermes giải thích rằng, Nga hội nhập mạnh hơn vào nền kinh tế thế giới so với những nước có nền kinh tế “đóng” như Iran. Do đó, việc nước này bị ngắt kết nối với SWIFT sẽ tạo ra những vấn đề đáng kể cho các nước phương Tây trên thị trường.

Ông lưu ý rằng, nếu Nga vẫn bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế, thì Moscow sẽ phối hợp với Bắc Kinh gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế ngược lại Mỹ và EU. Với sự hợp lực của Nga và Trung Quốc, phương Tây sẽ không có được bất kỳ phần thắng nào.

Theo chuyên gia này, trước hết, các tổ chức tài chính phương Tây làm việc với Nga sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ mất đi tiền tỷ, còn những mối liên hệ kinh doanh hiện nay sẽ trở nên rắc rối đến mức nhiều giao dịch sẽ mất đi ý nghĩa vì thời gian quá trễ.

Còn ông Dmitry Golubovsky, nhà phân tích của Công ty Golden Mint cũng cho rằng, Nga có kim ngạch thương mại lớn với các nước châu Âu, gồm: Dầu thô, khí đốt, kim loại, phân bón… Việc chấm dứt sử dụng SWIFT sẽ tạo ra sự bất tiện cho các công ty Nga và cả các đối tác nước ngoài, nhưng thương mại sẽ không dừng lại vì điều này.

Trước đó, nhà phân tích chính trị người Đức Janis Kluge đã chỉ thẳng ra rằng, các đòn trừng phạt thường có tác dụng hai mặt - hại người nhưng cũng hại mình, việc ngắt kết nối SWIFT của Nga sẽ phá hủy hoàn toàn quan hệ thương mại giữa Nga và châu Âu ở hình thức hiện tại.

Đặc biệt là sự đổ vỡ quan hệ thương mại với Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đức, nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow.

Nhà nghiên cứu chính trị nhắc lại rằng chỉ riêng việc Mỹ đưa công ty Rusal của Nga vào danh sách đen năm 2018 cũng đã gây ra căng thẳng đáng kể ở châu Âu, vì Rusal là nhà cung cấp nhôm cho nhiều doanh nghiệp châu Âu.

Trong thời điểm hiện nay, giả sử kết nối tài chính của các khách hàng năng lượng thuộc Liên minh châu Âu với Tập đoàn Gazprom của Nga bị ngắt và các giao dịch khí đốt giữa hai bên bị đình chỉ, dòng khí đốt Nga ngừng chảy sang châu Âu thì tai họa sẽ lớn đến mức nào.