Căng thẳng Nga- Ukraine ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

ANTD.VN -  Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp không lớn từ căng thẳng Nga- Ukraine, nhưng ảnh hưởng gián tiếp lại không nhỏ.
Căng thẳng Nga- Ukraine ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam

Căng thẳng Nga- Ukraine ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam

TS Cấn Văn Lực- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, với Việt Nam, căng thẳng Nga- Ukraine khiến giá xăng dầu tăng bình quân 20-40% trong nay năm. Sau đó, năm 2023, mức tăng này giảm dần, còn khoảng 15-20%.

Xung đột này cũng khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm từ 1 đến 1,2 điểm trong năm nay. Trong khi đó, lạm phát lại có xu hướng tăng thêm từ 0,8 đến 1 điểm %.

“Giá cả, lạm phát tăng nhanh sẽ làm xói mòn đầu tư, tiêu dùng. Hoạt động thương mại, đầu tư với Nga, Ukraine tùy không nhiều nhưng ảnh hưởng đến du lịch là đáng kể”- ông Cấn Văn Lực nói.

TS Cấn Văn Lực đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Với kịch bản cơ sở, giả định căng thẳng Nga- Ukraine và dịch bệnh tại Trung Quốc được kiểm soát tốt từ cuối quý 2-2022; Chương trình phục hồi kinh tế trong nước được thực hiện hiệu quả; giải ngân đầu tư công và thu hút đầu tư toàn xã hội diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch; nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh trong bối cảnh “sống chung an toàn với Covid-19”; xuất nhập khẩu thuận lợi khi vẫn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu dần được tháo gỡ thì tăng trưởng năm nay có thể đạt 5,5% - 6%.

Ở kịch bản tăng trưởng cao, khả năng ít xảy ra, GDP Việt Nam dự báo tăng từ 6-6,5%. Còn ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam chỉ đạt 4,5% - 5% trong cả năm 2022.

Đánh giá về ảnh hưởng của căng thẳng Nga- Ukraine tới kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud-Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng cho rằng, tác động trực tiếp của căng thẳng đến thương mại và tài chính là hạn chế, bởi Việt Nam chỉ có 1% tổng kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu mỏ với Nga và chưa đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu ngoài dầu mỏ đến từ Nga; Nga chiếm chưa đến 1% nhập khẩu năng lượng của Việt Nam; Nga chiếm chưa đến 3% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam, chủ yếu vào ngành dầu khí…

“Tuy nhiên, tác động rõ nhất và ngay lập tức của cuộc xung đột là giá hàng hóa tăng. Xung đột Nga-Ukraine có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát thông qua việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ, năng lượng và thực phẩm, cũng như tác động vòng hai đối với nhiều ngành công nghiệp hơn do chi phí vận tải và điện cao hơn”- đại diện IMF nói.

Ngoài ra, theo IMF, tác động vòng hai do cầu trên toàn cầu chậm lại và gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Cầu từ châu Âu chậm lại có thể tác động đáng kể đến thương mại của Việt Nam, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (chiếm 13% trong năm 2021).

Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian lớn nhất cho Việt Nam (chiếm 40%). Nguy cơ Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á khác bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc xung đột có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch, tăng chi phí vận chuyển và làm suy giảm thương mại.

Dù dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 6% và tăng lên mức 7,2% trong năm tới, nhưng đại diện IMF cho rằng, vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát.

Ông Francois Painchaud gợi ý, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”- đại diện IMF đề xuất.