Căng thẳng giữa chính phủ và giới truyền thông Mỹ

ANTĐ - Hình ảnh đầy rẫy những mâu thuẫn, các cuộc đối đầu và thỏa hiệp đã trở nên quá quen thuộc trong mối quan hệ giữa chính phủ và giới truyền thông Mỹ. 

Tuần qua, đã xuất hiện nhiều thông tin tố cáo Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) bí mật tiến hành ghi âm những cuộc điện thoại của các phóng viên và biên tập viên hãng thông tấn AP. Việc này một lần nữa làm rộ lên vấn đề xoay quanh những “bữa cơm không lành, canh chả ngọt” của chính phủ Mỹ và giới truyền thông trong nước.

Bộ Tư pháp Mỹ không đưa ra bất kỳ giải thích chính thức nào, về mục đích của hành động thăm dò này đối với các nhân viên của AP. Nhiều nguồn tin cho rằng, nguyên do bắt đầu từ một bản tin về chiến dịch của Mỹ tại Yemen. Bản tin được đăng từ hồi tháng 5 năm 2012 về kế hoạch hoạt động của Cục Tình báo liên bang tại Yeman, nhằm mục tiêu triệt phá một kế hoạch đánh bom máy bay tới Mỹ của al-Quaeda. Tuy nhiên, những thông tin này đã làm Chính phủ Mỹ phải “nóng mặt” vì nó được đăng tải không lâu, sau khi chính quyền nước này tuyên bố không hề có bằng chứng về một âm mưu khủng bố như vậy.

Những thông tin mà AP cáo buộc chính phủ Mỹ theo dõi là các cuộc trao đổi điện thoại liên quan đến hoạt động lấy tin mật của hãng thông tấn này, cũng như nhiều hoạt động mà theo pháp luật, AP được quyền không tiết lộ với chính phủ. Theo thông lệ, các hãng thông tấn sẽ được báo trước nếu chính phủ muốn tiến hành các hoạt động theo dõi như vậy. Nhà Trắng trả lời báo chí rằng họ không hề biết tới một cuộc thăm dò như vậy.

AP (Associated Press) là hãng thông tấn Mỹ lớn nhất thế giới, có hơn 200 văn phòng trên thế giới 

Cuộc chiến mang tên “Obama với giới báo chí” không có dấu hiệu giảm căng thẳng, khi Tổng thống đang ra lệnh điều tra quyết liệt nguyên do các thông tin mật của chính phủ bị rò gỉ cho giới truyền thông.

Đây là một cuộc chiến không có hồi kết giữa chính phủ và giới truyền thông Mỹ. Những cuộc thăm dò của chính phủ có thể được giải thích từ nhiều góc độ, trong đó, được xếp vào việc giải quyết mối quan tâm an ninh của chính phủ khi tình hình thông tin mật bị rò rỉ sẽ “đẩy người dân Mỹ vào tình trạng nguy hiểm”. Nó cũng có thể khiến nhiều người cho rằng chính phủ Mỹ chỉ đang cố gắng bảo vệ bản thân mình trước những hành động vạch trần của giới truyền thông.

Những bất đồng giữa chính phủ và truyền thông Mỹ đã xuất hiện từ lâu và chắc chắn sẽ không bao giờ chấm dứt. Từ thời Nixon, Washington Post đã bị trừng phạt vì công bố thông tin vụ Watergate bê bối cho đến việc người hùng Robin Hood thời nay – Wikileaks, nơi đã gần như san phẳng hệ thống phân cấp tình báo Mỹ cũng vẫn là cái gai trong mắt chính phủ.

Vấn đề tự do ngôn luận được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Hoa Kỳ nhưng không hề xác định giới hạn cụ thể cho các kỹ thuật điều tra được sử dụng với các nhà báo.  Vì thế, hậu quả tất yếu là nhiều cuộc "thăm dò" truyền thông bí mật sẽ xảy ra.

Trên thực tế, chẳng phải chính phủ Mỹ hay giới truyền thông Mỹ sẽ phải đứng trong vai trò người thua cuộc. Chính phủ có chức năng đảm bảo an toàn bí mật cho các hoạt động của mình. Còn các phương tiện truyền thông lại có quyền hợp pháp để xem xét những hành động đó theo ý kiến riêng của họ. Tất cả đều chỉ đang làm công việc của mình và chẳng may càng ngày chúng lại xuất hiện càng nhiều điều “va chạm”.