Càng lớn càng nặng nợ

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo dày hơn 50 trang về lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được ví như “trái tim” của quá trình khó khăn, thách thức và lâu dài này. Đúng vào thời điểm Quốc hội sắp kết thúc kỳ họp thứ tư, Bộ Tài chính đã có báo cáo về tình hình nợ trong nước và nước ngoài của các “ông lớn”.

Chuyện nợ nần chồng chất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không là chuyện mới lạ, chỉ có điều gây sửng sốt, bàng hoàng dư luận là lần đầu tiên con số nợ, hệ số nợ được cụ thể hóa vượt quá sức tưởng tượng. Tính đến ngày cuối cùng năm 2011, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty lên tới 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả trên sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Tổng tài sản trên tổng nợ phải trả bình quân là 1,62 lần. Số liệu này chứng tỏ, các tập đoàn, tổng công ty này hoạt động phụ thuộc phần lớn nguồn vốn vay dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng trả nợ đến hạn rất thấp.

Theo Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước được chia theo ba nhóm doanh nghiệp chủ yếu. Nhóm một, Nhà nước sở hữu trên 75% tổng số vốn cổ phần tại công ty mẹ của các Tập đoàn Than-Khoáng sản, Dầu khí, Điện lực, Hóa chất… Nhóm hai, Nhà nước sở hữu trên 50% tổng số vốn cổ phần tại công ty mẹ của các tập đoàn, Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông, Cao su, Tàu thủy, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Lương thực. Nhóm ba, Nhà nước sở hữu trên 35% tổng số cổ phần hóa hoặc không cần nắm giữ cổ phần tại các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lại.

Tại cuộc hội thảo “Kinh tế trước thách thức tái cơ cấu” mới diễn ra, một số nhà điều hành kinh tế vĩ mô cũng như chuyên gia cho rằng, cách phân loại này là tiếp tục coi tập đoàn và tổng công ty nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô, trong khi những “quả đấm thép” này điều tiết và hoạt động kém hiệu quả. Hiệu ứng “lấn át” chiếm lợi thế và ưu thế của khu vực kinh tế này là nguyên nhân quan trọng làm suy giảm hiệu quả và năng suất của toàn bộ nền kinh tế.

Quan điểm này “ngẫu nhiên” được chứng minh sinh động trong báo cáo công nợ của Bộ Tài chính. Bảng danh sách nợ quá hạn của các tập đoàn, tổng công ty đã xếp hạng các “con nợ” lớn như Tập đoàn Dầu khí nợ: 1731 tỷ đồng, Tổng công ty Thuốc lá: 467 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông: 128 tỷ đồng… Chưa hết, theo báo cáo của các tổng công ty mẹ, tổng số nợ phải trả tăng 2,2% so với năm 2012. Nợ nước ngoài là 142.853 tỷ đồng, tăng 14%. Một số công ty mẹ “ôm nợ” nước ngoài rất lớn như Tập đoàn Điện lực nợ 99.260 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không nợ 24.027 tỷ đồng… Trả lời đại biểu Quốc hội về quản lý nợ công, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đến cuối tháng 12-2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP. Ước tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công tăng lên 55,4% GDP và dư nợ Chính phủ giảm chút ít bằng 43,1% GDP. Xét về từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có 30 đơn vị với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong số đó, có 8 tập đoàn, tổng công ty trên 10 lần, 10 tập đoàn, tổng công ty từ 5-10 lần và 12 tập đoàn, tổng công ty từ  3-5 lần.

Để quản lý nợ công, Bộ Tài chính thực hiện quản lý chặt việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn. Dù nợ trong nước hay nợ nước ngoài cũng chứng tỏ làm ăn kém hiệu quả, đặc biệt tập đoàn, tổng công ty càng lớn thì càng nặng nợ. Thật đáng lo ngại cho vai trò chủ đạo, điều tiết vĩ mô của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tin cùng chuyên mục