Càng gỡ càng rối!

ANTĐ - Tuyển quốc gia thua muối mặt, các giải quốc nội đối mặt tương lai bất định, nhiều ông “bầu” chán nản, bỏ bóng đá, cầu thủ hoang mang lo thất nghiệp… Có lẽ, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại thê thảm và bế tắc như hiện nay.

Ổn định như K.Khánh Hòa (phải) hay “đại gia” như SG.Xuân Thành cũng đã và đang đứng trước giải thể

Nếu lấy thành tích đội tuyển quốc gia làm thước đo trình độ phát triển bóng đá một quốc gia, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang thụt lùi sau thất bại đau đớn nhất lịch sử của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012. Còn nếu coi các giải quốc nội làm điểm tựa cho một nền bóng đá, có thể khẳng định ngay V-League và giải hạng Nhất đang mất an toàn hơn bao giờ hết. Một đội vốn được xem như “thành trì trong bão” như K.Khánh Hòa đã rút hẳn khỏi bóng đá; các đại gia “chịu chơi” như “bầu” Thọ, “bầu” Trường, “bầu” Thụy lần lượt bỏ bóng đá vì nhiều lí do. Ngôi sao từng có giá chuyển nhượng cả chục tỷ đồng như Công Vinh cũng bị “bầu” Đệ thẳng thừng: “Có cho không, Thanh Hóa cũng không nhận”. Những dẫn chứng đó đủ cho thấy, bóng đá Việt Nam và cả V-League đang gay go đến mức nào. Vấn đề là giới có trách nhiệm lại gần như bất lực.

Nhà tổ chức giải cứ phải xoay như chong chóng trong vòng quay hỗn độn của V-Leauge. Hết đội này xin rút, đội kia đột ngột bán suất V-League, xin giải thể, đến lượt các ông bầu dọa bỏ giải gây áp lực… Trong thế bị động, VPF chỉ còn biết chấp nhận và khắc phục theo kiểu chắp vá. Điều đáng nói là cách làm của VPF chẳng giúp giải trở về quỹ đạo, trái lại còn gián tiếp làm rối thêm. Đỉnh điểm như “sáng kiến” bổ sung U22 Việt Nam và không có đội xuống hạng V-League 2013, dù mới chỉ dừng ở đề xuất đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều phía, bị lãnh đạo Tổng cục TDTT bác bỏ thẳng thừng. Cảm giác bất an đang ngày một tăng theo những biến động trong nội tại các đội bóng, cùng xu hướng bỏ giải lan rộng.

Sau thất bại của ĐT Việt Nam, lần lượt các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân sâu xa, chủ yếu bắt nguồn từ cách điều hành, định hướng “không giống ai” của VFF. Muốn sửa sai, trước hết phải nhận sai. Thế nhưng, có vẻ như điều này lại không được lãnh đạo VFF quan tâm. Cái gọi là chiến lược phát triển bóng đá bền vững đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy bởi sự thiếu đồng lòng của chính người trong cuộc. Đơn cử như việc chọn HLV, giữa Tổng cục TDTT và VFF còn bất đồng quan điểm, mong gì cùng chung tay chấn hưng nền bóng đá nước nhà. Nhìn ĐT Việt Nam liên tiếp thất bại, nhìn V-League chìm trong cơn khủng hoảng và nhìn cả cách người trong cuộc đang quay cuồng trong bế tắc và bất lực, không biết khi nào bóng đá Việt Nam mới thoát khỏi mớ bòng bong đáng sợ này.

“CLB nên chung tay với VPF” 

Đó là quan điểm của Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn trong cuộc trao đổi với PV Báo ANTĐ vào chiều qua 11-12. “Khó khăn thì tất cả đều đã rõ và VPF đang phải vật lộn tháo gỡ. Tôi thừa nhận các giải pháp của VPF hiện tại chỉ mang tính tình thế và phải vừa làm vừa sửa. Việc cử đội U22 dự V-League là để chuẩn bị cho SEA Games 27, chứ ngay bản thân tôi cũng nghĩ là không nên áp dụng ở mùa giải năm sau. Những yếu tố như kinh phí, nơi ăn chỗ ở, đi lại của U22 dự giải, VPF hứa sẽ đảm bảo. Nhưng còn lực lượng, rõ ràng chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các CLB. Song thay vì chia sẻ khó khăn, chung tay cùng VPF tìm ra phương án tối ưu nhất, các CLB lại chỉ biết phản đối, bàn lùi. Nếu họ không hợp tác, VPF chẳng thể làm gì hơn”, ông Viễn bày tỏ.