Càng doanh nghiệp lớn, càng sai phạm nhiều

ANTĐ - Với hơn 15 nghìn tỷ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí không được sử dụng đúng của Petro Vietnam theo kết quả của Thanh tra Chính phủ, PVN không phải là doanh nghiệp nhà nước duy nhất đến thời điểm này bị phát hiện các sai phạm liên quan đến tài chính.
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin để thất thoát hàng nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có “nghi án” lỗ giả lãi thật, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không khớp được các số liệu công bố với số liệu khi tiến hành IPO lần đầu…

Có một điểm chung của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn liên quan đến sai phạm là khoản tiền bị sử dụng sai mục đích thường lên tới hàng nghìn tỷ đồng - một con số quá lớn đối với nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam. Không thể khẳng định doanh nghiệp nhỏ không có sai phạm về tài chính nhưng phải chăng, mức độ sai phạm tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp? Cũng có ý kiến, doanh nghiệp nhà nước được sử dụng khoản tiền lớn từ ngân sách nhà nước nên có thể “vung tay quá trán”, dễ dãi hơn trong ký duyệt chi tiêu?

Thách thức đối với người đứng đầu doanh nghiệp lớn là làm sao để công ty ngày càng phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, tạo được nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động. Nhưng bên cạnh đó, người “đứng mũi chịu sào” cũng cần khôn ngoan để sử dụng số tiền khổng lồ trong tay không để xảy ra “nhầm lẫn”. Bất cứ sai phạm nào nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử lý, nhưng có lẽ, do hình thức kỷ luật còn quá nhẹ nên người làm sai “chưa thấm”.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, nếu các cơ quan chức năng nghiêm khắc tiến hành thanh tra thêm các doanh nghiệp nhà nước khác, sẽ còn bao nhiêu sai phạm cùng các khoản thu chi sai bị phanh phui? Người làm sai sẽ bị xử lý như thế nào để thỏa đáng với sự đóng góp vô tư của nhân dân cho nguồn lực phát triển của những doanh nghiệp đó?