Canada không đủ khả năng thách thức Nga ở Bắc Cực

ANTĐ - Ngày 10-12, Tổng thống Nga Putin đã giao nhiệm vụ cho bộ quốc phòng phải hoàn thành công tác triển khai lực lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Bắc Cực trong năm 2014. Đây là một động thái đáp trả cứng rắn đối với hành động tuyên bố chủ quyền đối với Bắc Cực của Canada.

Ngày 9-12, Ngoại trưởng Canada tuyên bố rằng, nước này có chủ quyền đối với khu vực Bắc Cực rộng lớn, từ trước đến nay không thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Đồng thời, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy cũng đang đẩy mạnh việc kiểm soát Bắc Cực và cho rằng cần phải chia sẻ nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác tại khu vực này. Ngay cả Trung Quốc nằm cách xa hàng ngàn dặm cũng đang mon men len chân vào đòi chia phần "miếng bánh Bắc Cực".

Biên đội tàu chiến Nga hành trình trên Bắc Băng Dương

Canada đã đệ trình đề nghị sơ bộ lên Liên Hợp Quốc, hiện họ cũng đang gấp rút tiến hành khảo sát khoa học đối với tình hình mở rộng thềm lục địa dưới đáy Bắc Băng Dương, hy vọng sẽ sớm chuyển giao báo cáo chính thức đầy đủ hơn, xin mở rộng ranh giới thềm lục địa bờ biển Bắc Băng Dương, đưa Bắc Cực - hiện không thuộc quyền quản lý của riêng quốc gia nào - vào trong ranh giới đó.

Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực là không thuộc về một quốc gia riêng biệt nào. Điều phối các hoạt động ở khu vực này là Hội đồng Bắc Cực (AC) - một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước: Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. 8 thành viên thường trực Hội đồng Bắc Cực phân chia khu vực này thành 8 phần để chịu trách nhiệm quản lý, lâu dần có thể biến thành phạm vi ảnh hưởng của quốc gia. 

Bắc Cực có vị trí địa lý - chính trị rất quan trọng đối với các quốc gia bắc bán cầu và được cho là chứa khối lượng lớn dầu khí và các khoáng sản khác mà tất cả các cường quốc trên thế giới muốn “đánh chiếm”. Họ nhận định, “hiện nay chỉ cần đầu tư rất ít nhưng sẽ giành được ảnh hưởng lớn trong vài chục năm sau”. Vì thế, tại khu vực tưởng như yên lặng này đang diễn ra các hoạt động tranh đoạt dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản và một số tài nguyên thiên nhiên khác tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt.

Canada không đủ khả năng thách thức Nga ở Bắc Cực ảnh 2

Khu vực được 8 thành viên thường trực Hội đồng Bắc Cực phân chia để chịu trách
nhiệm quản lý, lâu dần có thể thành phạm vi ảnh hưởng của quốc gia mình

Đáp lại hành động của Canada, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, mở rộng sự có mặt quân sự của Nga tại Bắc Cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang nước này. Trong buổi họp với các quan chức quân sự cao cấp của Nga, Tổng thống Putin đã khẳng định, Nga cần phải tăng cường mở rộng khu vực tiềm năng to lớn này, cho nên phải sử dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ an ninh và lợi ích của Nga ở đó.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã hoàn thành công tác tu sửa sân bay trên quần đảo Novosibirskiye và khôi phục một số căn cứ không quân tại Bắc Cực”. Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng khẳng định, năm sau, Nga sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm ở khu vực quanh năm lạnh lẽo này. Trước đây, Moskva đã điều 10 tàu quân sự và 4 tàu phá băng đến quần đảo Novosibirskiye. 

Cục điều tra địa chất Mỹ cho biết, khu vực Bắc Cực có 30% trữ lượng khí đốt và 15% trữ lượng dầu thô chưa đựơc khám phá của toàn cầu. Là một quốc gia nằm trong Hội đồng Bắc Cực đồng thời là nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, Nga cũng đang ôm tham vọng tìm kiếm và khai thác nguồn năng lượng tiềm năng tại khu vực này.

Nga hiểu rằng họ chính là một trong những nước có điều kiện thuận lợi nhất trong chia sẻ quyền lợi ở khu vực này. Ngay từ giữa tháng 2, Hạm đội phương Bắc của Nga đã bắt đầu triển khai các máy bay tác chiến chống ngầm và tuần tra hàng hải Ilyushin Il-38, máy bay tác chiến chống ngầm, trinh sát hàng hải Tupolev Tu-142 Bear tuần tra thường xuyên tại Bắc Băng Dương và khu vực Bắc Cực.

Gần đây, Hạm đội Biển Bắc của Nga đã điều biên đội tàu chiến đến thám hiểm Bắc Cực. Dẫn đầu biên đội là tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng lớp Kirov mang tên Piốt Đại Đế (Pyotr Velikiy), có lượng giãn nước tới 28.000 tấn. Việc Nga điều động tuần dương hạm duy nhất thuộc lớp Kirov và cũng là lớn nhất của mình đến Bắc Cực đã cho thấy Nga coi trọng khu vực này đến thế nào trong chiến lược an ninh quốc gia của mình.

Canada không đủ khả năng thách thức Nga ở Bắc Cực ảnh 3

Tàu ngầm Mỹ “thò đầu” lên lớp băng ở Bắc Băng Dương

Chuyên gia nghiên cứu vấn đề quốc tế - Philip Steinberg cho rằng, điều kiện của khu vực Bắc cực khắc nghiệt, nên việc khai thác nguồn tài nguyên còn rất xa vời, mục đích hiện nay của Nga và Canada phần lớn là tính toán về mặt  ý nghĩa chính trị và không muốn làm tổn hại đến lòng tự hào dân tộc của mình.

Còn chuyên gia quân sự Felgenhauer thì nhận định, động thái của Nga nhằm tăng cường kiểm soát các tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực, nhưng điều này rất có thể xảy ra xung đột với Mỹ, nước đã từng tuyên bố “bảo vệ quyền tự do hàng hải”. Trong 5 năm qua, Mỹ đã bố trí một lực lượng quân sự gồm 22.000 binh sĩ và 5.000 vệ binh tại bang Alaska cùng với nhiều tàu ngầm nguyên tử và máy bay vận tải C-130.