Cần xử phạt nghiêm khắc tác giả lan truyền những clip độc hại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không ai phủ nhận những tác động tiêu cực của clip “rác” tới giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ. Nhưng làm thế nào để bảo vệ con em mình trong môi trường số thì không phải ai cũng tìm thấy câu trả lời.
Hưng Vlog bị phạt 7,5 triệu đồng vì thực hiện clip phản cảm nấu cháo gà nguyên lông

Hưng Vlog bị phạt 7,5 triệu đồng vì thực hiện clip phản cảm nấu cháo gà nguyên lông

Kiểm soát thông minh

Sự tác động của các clip “rác” biểu hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có cả những điều chúng ta chứng kiến và cả sự âm ỉ, vô hình. Chẳng hạn, clip “rác” tác động tới nhận thức, hành động... của trẻ em, khiến các em bắt chước theo ngôn ngữ, hành động phản cảm, nguy hiểm. Bên cạnh đó, những tác động mà ta không nhìn thấy được như về mặt tâm lý, nhận thức... cũng nguy hiểm không kém. Những tác động đó cứ âm ỉ tồn tại, lan truyền và chế ngự thế giới trẻ thơ để rồi một ngày nào đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thông thường, các clip “rác” có lượt truy cập cao vì nó tác động mạnh tới tâm lý con người, trong đó nổi bật là tính tò mò, a dua hoặc đơn giản hơn là nhu cầu giải trí thông thường. Nó giống như việc nhiều người cứ xúm lại xem một trận đánh ghen, một vụ cướp bóc, thậm chí công an đang truy bắt tội phạm thì mọi người cũng tò mò tụ tập để xem. Về mặt tâm lý, điều đó không lạ. Tuy nhiên, tâm lý ấy sẽ được khống chế bằng văn hóa, nhận thức, giáo dục... Khi có những nền tảng cơ bản ấy thì con người không còn hành động theo bản năng hay bị trí tò mò, a dua dẫn dắt. Chính vì thế, để hạn chế sự tác động của clip “rác” cần có sự nhận thức và thay đổi, kiểm soát, định hướng đồng bộ từ gia đình đến nhà trường, xã hội, các cơ quan chức năng có liên quan. Tất cả đều là những mắt xích quan trọng mà chỉ cần một chi tiết bị nới lỏng thì sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. Ở góc độ gia đình, nhiều bậc phụ huynh cấm cản, kiểm soát con sử dụng công nghệ, nhưng còn ít khuyến khích, động viên khi trẻ sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Việc khuyến khích những hành động đúng đắn, tích cực có tác động đáng kể và là bài học trực diện nhất.

“Con tôi đang ở độ tuổi tiểu học, chúng tôi có cho con sử dụng máy tính, mỗi ngày 30 phút theo giờ quy định. Chủ yếu cháu dùng để học tiếng Anh, tìm gợi ý cho bài học trên lớp, xem video, phim hoạt hình dành cho trẻ em. Cháu rất thích vẽ nên cũng lập tài khoản mạng xã hội để chia sẻ về đam mê vẽ tranh cùng bạn bè. Việc kiểm soát trẻ em không khó. Ngoài kiểm soát về mặt thời gian sao cho hợp lý, chúng tôi cài đặt liên thông giữa máy con cái dùng với bố mẹ và thường xuyên có sự trao đổi, định hướng và cả nhắc nhở con. Tất nhiên, đây là khi cháu ở độ tuổi tiểu học, tôi nghĩ khi cháu lớn hơn thì phương pháp cũng sẽ thay đổi, điều chỉnh để vừa đảm bảo người lớn không xâm phạm không gian riêng tư của con nhưng vẫn nắm bắt và định hướng được. Tôi cố gắng không cấm đoán, đe dọa hay xử phạt con mà hướng trẻ tới sự nhận thức hợp lý, hành động tự nguyện và không quên sự động viên, khích lệ khi trẻ làm tốt” - nhà thơ Lữ Mai nói về việc dạy con của mình.

Khá Bảnh khoe thu nhập từ Youtube khiến nhiều người bất ngờ

Khá Bảnh khoe thu nhập từ Youtube khiến nhiều người bất ngờ

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Là một phụ huynh có con nhỏ, chị Phạm Thị Hoa (Trung tâm Anh ngữ Ivy Prep) cho rằng, việc bảo vệ con an toàn trong môi trường số là một thách thức lớn cho toàn xã hội. Làm thế nào để lành mạnh đời sống mạng mà vẫn phát triển công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ? Theo chị Hoa, giống như các vấn đề giáo dục khác vẫn rất cần sự phối hợp giữa gia đình, xã hội, nhà trường và cơ quan quản lý. Gia đình cần kiểm soát thời lượng các con tiếp xúc mạng, chỉ dẫn, định hướng các vấn đề bổ ích để các cháu học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách, nâng cao thẩm mỹ. Nhà trường và xã hội cần có những bài học, hình mẫu, thần tượng đẹp, có ích cho xã hội dưới các hình thức mới, hấp dẫn, vui vẻ, nhẹ nhàng tránh giáo điều cứng nhắc. Cơ quan quản lý nên có những hình thức kiểm duyệt các clip vô bổ, độc hại. Các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần có những “ổ khóa” hữu hiệu như những mặt hàng để cung cấp cho nhu cầu xã hội.

Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều tài khoản Youtube đã bị xử lý khi đăng tải các clip “rác” như trường hợp của Khá Bảnh, Hưng Vlog… tuy nhiên, mức xử phạt đối với các clip “rác” có nội dung độc hại còn nhẹ (chỉ vài triệu đồng), chưa đủ sức răn đe, so với số tiền thu về của các Youtuber.

Về việc này, ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay Cục đang triển khai thêm một biện pháp nữa là chặn đường quảng cáo và xóa các kênh vi phạm. Đây là một biện pháp rất mạnh. Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, định nghĩa thế nào video nhảm nhí, thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục hiện vẫn chưa được quy định rõ. Điều này gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật và ngược lại có thể gây cản trở cho quá trình sản xuất của những người làm nội dung. “Quy định đó đúng là còn quá chung chung. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an có những hướng dẫn cụ thể hơn. Việc này cần có thời gian và bổ sung vào các quy định mới” - ông Lê Quang Tự Do nói.

Và trong khi các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế sự xâm lấn của clip “rác” tới giới trẻ, các bậc phụ huynh chính là những người có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con em mình.