Cần vào cuộc quyết liệt

ANTĐ - Mặc dù lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm và những kết quả đạt được cũng mới chỉ là bước đầu, nhưng đã không làm cử tri và nhân dân cả nước thất vọng. Cùng với phiên chất vấn các thành viên Chính phủ cũng như những ý kiến phân tích, đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề nóng trong đời sống kinh tế-xã hội, về các dự thảo sửa đổi luật, có thể nói kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã được cử tri cả nước “chấm điểm” tín nhiệm cao đối với cơ quan quyền lực cao nhất.

Quốc hội đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong triển khai nhiệm vụ và những giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã nói lên quyết tâm phấn đấu để giải quyết những khó khăn không nhỏ đang tồn tại và thúc đẩy, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tốt hơn, bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Tất cả mọi người chúng ta, những người có trách nhiệm đều nóng ruột và muốn có sự tăng trưởng cao hơn, nhanh hơn để giảm khoảng cách của chúng ta với các nước bên cạnh”. Tuy vậy, theo ông, tăng trưởng cao mà lạm phát cao thì cũng không có ý nghĩa, đặc biệt là đời sống của người dân. Muốn có sự đột phá trong phát triển nhưng cần phải hiểu rằng, nếu chỉ đạo, điều hành không chặt chẽ thì lạm phát quay lại là một điều rất nguy hiểm đối với nền kinh tế. Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm cao để “xốc lại” điều hành, đưa nền kinh tế vượt dốc đi lên.

Trong các phiên thảo luận ở tổ, trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như một số ủy viên Ủy ban của Quốc hội đã chỉ rõ, một số dự luật được giao cho các bộ, ngành soạn thảo nhưng đến thời hạn phải trình cũng chưa có, nhiều dự luật chất lượng không cao nên không “sống lâu” với thực tế và liên tục phải sửa đổi. Một số luật lại chậm được hướng dẫn khiến chậm đi vào cuộc sống. Thực tế, Chính phủ cũng đã có những đánh giá khá nghiêm túc về việc ban hành và thực thi chính sách. Một ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dẫn chứng, trong việc chậm đưa chính sách vào thực tiễn, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội có nhìn nhận đó là một hạn chế, yếu kém. Cụ thể, việc khắc phục nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật tuy có nhiều tiến bộ, nhưng việc ban hành một số văn bản vẫn còn chậm. Báo cáo nêu như vậy, song trên thực tế, theo vị ủy viên này, hầu hết các luật, pháp lệnh đều không có văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại thời điểm có hiệu lực. Cá biệt có luật có hiệu lực mấy năm mới có đủ văn bản hướng dẫn.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá việc chậm ban hành các văn bản là căn bệnh trầm kha, nhưng hoàn toàn có thể chữa được. Việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chủ yếu thông qua các luật, chính sách. Vì vậy, vấn đề là đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, xử lý trách nhiệm tình trạng chậm trễ này. Thực tế cho thấy, có những việc rất khó nhưng khi Chính phủ vào cuộc quyết liệt thì đều mang lại hiệu quả.