Cẩn trọng "mắc bẫy" vay tiêu dùng

ANTĐ - Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần song không ít người dân vẫn bị “mắc bẫy” khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng trả góp. Những điều khoản bất lợi của hợp đồng vay tiêu dùng đã dẫn đến khiếu nại trong lĩnh vực này gia tăng.

Cẩn trọng "mắc bẫy" vay tiêu dùng ảnh 1

Mập mờ thông tin

Là một người phải vay tiêu dùng nhưng khi thấy hợp đồng không ổn, anh Nguyễn Mạnh Q. (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ. Anh Nguyễn Mạnh Q. cho biết: “Tôi đến Công ty trách nhiệm hữu hạn X. để vay tiền mua sắm một số thiết bị cho nhà mới, chuẩn bị đón Tết. Nhân viên tư vấn rất nhanh sau đó bảo tôi ký hợp đồng sẵn có. Họ nói nhiều người cũng đã ký vay như vậy nên tôi có thể yên tâm. Do chủ quan nên tôi ký luôn,  tuy nhiên khi có thời gian đọc kỹ, tôi thấy lãi suất không hề thấp như tờ rơi hay giới thiệu, thêm vào đó câu từ của hợp đồng rất mập mờ”. 

Anh Nguyễn Mạnh Q. chỉ là một trong số ít trường hợp có khiếu nại về hoạt động vay tín dụng tiêu dùng trả góp trong thời gian gần đây. Theo đại diện của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, tranh chấp liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng là một trong những nội dung nhận được khiếu nại nhiều nhất năm vừa qua. Các hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu là: nhân viên tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ: mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp, có thể thanh lý hợp đồng bất cứ thời điểm nào hay thủ tục thanh lý đơn giản.

Khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa, không giao hợp đồng trực tiếp mà gửi hợp đồng đã ký qua đường bưu điện với thông tin về lãi suất cao hơn, thường từ 5-6%/tháng thay vì 1-2% như giới thiệu. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhân viên tư vấn không chịu cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng tìm hiểu trước khi ký và lưu giữ sau khi ký. Nếu xảy ra tranh chấp thì người vay lại khó liên lạc với bên cho vay, cố tình kéo dài thời gian giải quyết hay thủ tục lòng vòng gây tốn kém, bức xúc cho người vay. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, người vay còn bị quấy rối, dọa dẫm, “khủng bố” điện thoại…

Cẩn trọng “lãi mẹ đẻ lãi con”

Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, để hạn chế rủi ro khi vay tiêu dùng, trước khi ký kết hợp đồng, người vay cần lưu ý 5 nội dung thông tin, gồm: lãi suất; các khoản phí; lãi phạt; thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ; thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng. “Trên thực tế, không chỉ có lãi suất cho vay cao , một số hợp đồng có thể các khoản phí, chi phí, được tính gộp vào khoản tiền người vay phải trả định kỳ. Tuy nhiên, người vay thường ít được cung cấp thông tin về các khoản phí này. Chúng tôi cũng thấy nhiều trường hợp mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng rất cao và chặt chẽ nhưng nhân viên tư vấn thường lờ đi nội dung này, dẫn đến thiệt thòi cho người vay”, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho hay. Ngoài ra, có trường hợp ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ, ngày lễ, hợp đồng quy định không rõ ràng khiến người vay bị phạt vì trả chậm.

Đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) khuyến nghị người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn hình thức vay này cần đảm bảo thu nhập ổn định, ít nhất là trong thời gian vay để tránh bị phạt hay bị dọa dẫm. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các tổ chức cho vay uy tín, tìm hiểu kỹ thông tin qua các website, tham khảo hình thức vay vốn của ngân hàng để thuận lợi nhất cho công việc mà không phải chịu các rủi ro không đáng có. “Trong trường hợp người tiêu dùng ký hợp đồng vay vốn, thì nhất định phải lưu giữ hợp đồng làm căn cứ đối chiếu, so sánh nếu xảy ra tranh chấp”, đại diện VINASTAS nói.                  

Cần đọc kỹ hợp đồng khi vay tiêu dùng

Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc vay được số tiền mình cần nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp họ mới nhận ra thì đã quá muộn. Mặt khác, không ít người tiêu dùng sau khi thực hiện hợp đồng một thời gian thì có nhu cầu thanh lý trước thời hạn.

Tuy nhiên, do trong hợp đồng đã ký không có điều khoản quy định về vấn đề này nên đành…chịu. Để tránh rủi ro, trước khi ký hợp đồng, người vay cần xem xét kỹ về lãi suất vay và yêu cầu ghi rõ mức lãi suất trên hợp đồng, thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ, nắm rõ các quy định liên quan đến phí trả chậm khi chưa kịp thanh toán nợ đúng hạn, những hành vi có thể bị phạt, mức phạt, cách thức tính lãi phạt... 

Hầu hết các ưu đãi lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó lãi suất sẽ tăng vọt. Vì vậy, để tránh gặp khó khăn trong khả năng chi trả sau này, người vay chỉ nên tìm đến vay tiêu dùng khi nhu cầu về tài chính chỉ bị thiếu hụt một phần nhỏ, có khả năng chi trả sau thời gian ngắn. Một điều cần lưu ý nữa là, người tiêu dùng phải lưu giữ hợp đồng, hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán cẩn thận. Khi phát sinh tranh chấp, bên vay có quyền khiếu nại tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cần hệ thống tính điểm tín dụng cho người dân

Trên thế giới, mô hình tín dụng tiêu dùng cũng như ở Việt Nam, tức là hiện tại người dân không có đủ tiền, phải dùng năng lực kiếm tiền, sức sản xuất trong tương lai để đi vay - đó là trả góp. Chẳng hạn như ở Mỹ, chi tiêu gia đình, cá nhân đóng vai trò quan trọng trong GDP của Mỹ nhờ tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam cũng theo xu hướng này. Tuy nhiên, luật lệ của Việt Nam nhìn bề ngoài chặt chẽ nhưng thi hành luật lại lỏng lẻo. Các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi “tín dụng đen” nên việc vay tiêu dùng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tổ chức lợi dụng. 

Tín dụng tiêu dùng cần được khuyến khích nhưng không khuyến khích các biến tướng của nó, chẳng hạn như “tín dụng đen”. Các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, phải có biện pháp để xử lý những trường hợp trục lợi bất chính. Các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải có cảnh báo người dân về những thủ thuật mà người dân ít biết đến như: phải đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký; Thủ thuật bỏ trống lãi suất trong hợp đồng, ký xong mới điền lãi suất; Cách trả nợ và lãi phạt.

Nhiều người không quan tâm lãi phạt mà lãi phạt lại là cái bẫy. Có thể lãi suất ban đầu rất thấp nhưng chỉ cần 1 ngày trả chậm thì lãi phạt đã kinh khủng. Theo tôi, Việt Nam cần có hệ thống tính điểm tín dụng cho người dân. Theo đó, mỗi người dân có 1 hệ thống tính điểm tín dụng, thu thập, lưu trữ thông tin mỗi người nợ ngân hàng bao nhiêu, trả nợ thế nào, số chứng minh nhân dân ra sao…

Từ đó, các công ty tài chính có thể cho vay nhanh chóng. Người dân cũng biết điểm tín dụng của mình xấu hay tốt để điều chỉnh. Việc triển khai hệ thống này không dễ, nhưng chúng ta phải bắt đầu vì không thể chần chừ được nữa. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia tài chính ngân hàng)