Cẩn trọng khi mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

ANTĐ - Ngày 19-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm. Những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là các quy định về tuyển dụng, bảo hiểm thất nghiệp... 
Cẩn trọng khi mở rộng bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1
Dự thảo Luật Việc làm cần bổ sung nguyên tắc không phân biệt loại hình đào tạo
(Ảnh: Người lao động đăng ký dự tuyển tại Ngày hội việc làm 2013 tại Hà Nội)


Liên quan đến đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, phải rà soát lại để tránh chồng chéo. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, các chức danh tư pháp (khoảng 33% thị trường lao động) đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Không tán thành một số trường hợp kỳ thị những người tốt nghiệp các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa trong quá trình tuyển dụng, ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung nguyên tắc không phân biệt loại hình đào tạo. Bà Phạm Thị Trung lý giải, thay vì phân biệt ngay từ đầu theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, nhà tuyển dụng cần xây dựng được cơ chế, giải pháp để lựa chọn được nhân lực đáp ứng nhu cầu của mình. 

ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ có quá nhiều đơn vị, tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát. ĐB Lê Trọng Sang đề nghị thu hẹp phạm vi thành lập tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo hướng chỉ giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công có chức năng đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và nghiên cứu, hình thành các trung tâm khu vực tùy vào nhu cầu và điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi nơi để thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. 

Đặc biệt quan tâm tới bảo hiểm thất nghiệp, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) tán thành việc chuyển nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm và tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững của việc làm. ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) kiến nghị, phải đánh giá lại toàn diện tình hình hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm qua để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết. ĐB Nguyễn Thu Anh nêu vấn đề: “Tại sao năm 2012, Quỹ này kết dư tới hơn 4.000 tỷ đồng; kết dư tích lũy đến hết 2012 gần 22.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 năm lại chỉ có 1% số người lao động thất nghiệp được đào tạo nghề nhờ Quỹ này?”. Một số ý kiến khác cho rằng, thực trạng này sẽ khiến người lao động mất việc có tâm lý chỉ nhìn vào “con cá” là khoản tiền hỗ trợ được nhận mà không quan tâm đúng mức đến “chiếc cần câu” là công tác đào tạo nghề, điều kiện giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai. 

Hiện nay, đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì “các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi”. Vì vậy, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị, chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Đối với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện thì không nên quy định trong luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào trong luật.