Cẩn trọng khi mang thai ngoài 35 tuổi

ANTĐ - Khoảng 20% phụ nữ Mỹ sinh con đầu lòng sau 35 tuổi. Theo một cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ, hơn 50% phụ nữ cho biết họ lo ngại về hội chứng Down và các nguy cơ di truyền khác khi sinh con sau 35 tuổi.

Ngoài ra, phụ nữ trên 35 tuổi mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, nhau thai tiền đạo, thừa cân, huyết áp cao và bệnh tuyến giáp. Nếu bạn trên 35 tuổi, dưới đây là một số điều bạn nên biết để có một thai kỳ khỏe mạnh:

Từ bỏ thói quen xấu. Những nguy cơ sức khỏe khi sinh con sau tuổi 35 có thể được ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh. Vì vậy, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp hoặc thừa cân, thì cần kiểm soát trọng lượng của cơ thể. Hoặc nếu bạn uống rượu hay hút thuốc thì cần dừng lại ngay lập tức.

Bổ sung vitamin trước khi sinh. Bạn cần bổ sung axit folic ít nhất 3 tháng trước khi mang thai và trong quá trình mang thai để ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh như dị tật nứt đốt sống ở thai nhi.

Siêu âm khi thai 6 tuần. Các bác sĩ thường khuyến cáo nên đi siêu âm khi thai 8 tuần nhưng nếu bạn trên 35 tuổi, bạn nên đi siêu âm thai ở 6 tuần. Siêu âm sớm có thể xác định nguy cơ nhau tiền đạo.

Sàng lọc huyết áp cao, tiểu đường. Điều quan trọng là phải đo huyết áp trong 3 tháng đầu tiên để xác định nguy cơ tiền sản giật. Phụ nữ trên 35 tuổi cần đi kiểm tra lượng đường trong máu để sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ khi thai nhi trong khoảng 24-28 tuần tuổi.

Xét nghiệm di truyền. Trước khi có thai hoặc ngay sau khi biết mình đang mang thai, bạn cần phải đi xét nghiệm di truyền. Kiểm tra lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS) cần phải được thực hiện sớm, thường là khoảng 11 tuần. Lông nhung màng đệm phát triển sớm hơn so với nước ối nên kiểm tra có thể cung cấp thông tin có giá trị về gene và nhiễm sắc thể trước khi chọc dò ối.

Xét nghiệm chẩn đoán. Ở tuổi 35, bạn có nguy cơ bị sảy thai hoặc các nguy cơ khác, chính vì vậy bạn cần thực hiện xét nghiệm chọc dò ối. Chọc ối là một thủ tục chẩn đoán trước khi sinh khi sử dụng cây kim lấy mẫu nước ối bao quanh thai nhi để xác định những bất thường của thai nhi.

Ăn uống đúng cách và tập thể dục. Tăng cân quá nhiều tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, vấn đề cân nặng và thừa cân ở trẻ. Vì vậy, bạn nên bổ sung 200-300 calo mỗi ngày, và ăn nhiều protein, hoa quả, rau, ngũ cốc, sữa ít chất béo và chất béo lành mạnh. Ngoài ra, bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày hoặc nhiều hơn để giữ cơ thể khỏe mạnh.