Cẩn trọng khi gửi vàng

ANTĐ - Hàng trăm tấn vàng trị giá nhiều tỷ USD nằm trong dân đang trở thành một khối vốn đáng mơ ước của các doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đi đầu trong việc khai thác số vốn này.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai dịch vụ giữ hộ vàng với lãi suất dành cho người gửi vàng từ        1,7- 2,0%/năm. Đồng thời tại các điểm tín dụng đen, việc cho vay bằng vàng với lãi suất thấp từ 4-6%/năm đang diễn ra rầm rộ. Với giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trung bình trên 5 triệu/lượng, việc vay vàng đang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn và không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Vậy là không chỉ huy động người gửi vàng, một số doanh nghiệp đã vay vàng phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng vấn đề ở chỗ, những người dân tích trữ tài sản tiết kiệm bằng vàng đem gửi các doanh nghiệp có an toàn không và các doanh nghiệp vay vàng trong tình thế chính sách hiện nay có tốt, có lợi không? Câu trả lời thật là tiêu cực.

Gửi vàng cho doanh nghiệp lấy lãi có an toàn?

Áp lực của người dân đang tích trữ vàng hiện nay rất lớn. Đã có quá nhiều các vụ trộm, cướp thậm chí gây ra các vụ án mạng vì tội phạm phát hiện chủ nhà có nhiều vàng và tài sản quý. Và nhu cầu gửi vàng là có thật, thậm chí là cấp bách khi các NHTM không được nhận gửi vàng như tại thời điểm này. Vì vậy người ta tìm đến các tiệm vàng, các doanh nghiệp gửi vàng, lãi chút nào hay chút đó.

Tuy nhiên gửi vàng cho các tiệm vàng, các doanh nghiệp có an toàn không? Hoàn toàn không an toàn. Gửi vàng vào tiệm vàng, doanh nghiệp về bản chất là cho họ vay không tín chấp, thậm chí chỉ là một thỏa thuận dân sự. Nếu xảy ra tranh chấp, hoặc trong trường hợp tiệm vàng phá sản, người cho vay dẫu có văn bản vay mượn, gửi vàng cũng gần như mất trắng. Đối với việc cho doanh nghiệp vay, trong trường hợp doanh nghiệp không trả nợ, hoặc lãi được, người gửi buộc phải chờ tòa án giải quyết. Và nếu doanh nghiệp phá sản, việc trả nợ chỉ là ưu tiên thứ 3 trong xử lý tài sản doanh nghiệp. Có thể nói trong trường hợp này người cho vay vàng cũng coi như mất trắng. 

Khác với trường hợp huy động vàng của các NHTM trước đây, Quỹ Bảo hiểm tiền gửi là đảm bảo đầu tiên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đảm bảo thứ hai cho số vàng NHTM huy động. Mặt khác huy động vàng của các NHTM là hoạt động được phép của Nhà nước. Còn việc huy động vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng (kể cả các tiệm vàng là trái với Nghị định 24/CP, do không có giấy phép huy động vàng) có nghĩa là trái pháp luật. Các giao dịch trái pháp luật sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. 

Với tất cả những lý do đó, không nên gửi vàng tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như các loại hình doanh nghiệp khác. NHNN nên có thông tin đầy đủ, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng thời điểm kênh huy động vàng chính thức đang bị tạm ngưng để nhảy ra huy động vàng.

 Doanh nghiệp vay vốn bằng vàng có lợi không?

 Trước mắt, các doanh nghiệp vay vốn bằng vàng có lợi, nhưng đây là món lợi rất nhiều rủi ro. Với lãi suất 1,7-2,0%/năm, thậm chí cao hơn thì vẫn thấp hơn các khoản vay thương mại cỡ 8-10%/năm hiện nay tại các NHTM. Các doanh nghiệp vay vàng phải bán ngay để lấy vốn kinh doanh và phó mặc giá trị vay vào giá vàng đang đầy rủi ro. Với diễn biến bất thường của giá vàng thế giới, chênh lệch nhiều khi cả triệu đồng/lượng/ngày như hiện nay vay vàng có rủi ro rất cao. Việc các NHTM  tất toán các khoản huy động vàng đã dẫn đến những khoản lỗ hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ là bài học nhãn tiền đối với hoạt động huy động vàng và đó cũng là lý do chính để NHNN nghiêm cấm việc huy động vốn bằng vàng. Nó có thể gây mất an ninh tiền tệ khi giá vàng tăng cao hơn thời điểm huy động. Trong khi đó, hiện nay giá vàng thế giới đang ở mức thấp kỷ lục, thấp hơn 30% so với 6 tháng trước. Với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, chu trình kinh doanh ngắn, có thể miễn cưỡng đối phó với những nguy cơ từ gia vàng, nhưng vẫn thiệt hại không nhỏ. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chu trình quay vòng vốn dài, vay vàng có thể phải chịu rủi ro rất cao. Trong tình hình vốn tiền đồng đang hạ dần, việc vay vốn bằng vàng rõ ràng không có lợi.

NHNN sớm có giải pháp với số vàng dân đang cất giữ

Để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của đông đảo người dân, NHNN cần sớm có phương án huy động số vàng trong dân còn đang cất giữ. Số vàng này có thể lên đến trên 500 tấn, trị giá hàng chục tỷ USD. Sẽ có lợi lớn đối với nền kinh tế nếu đưa được số vốn này vào vòng quay sản xuất kinh doanh. Khi chúng ta công nhận quyền tích trữ, sở hữu vàng cũng có nghĩa công nhận quyền sở hữu tài sản bằng vàng thì khi huy động tài sản của dân vào mục đích sản xuất kinh doanh cũng phải trả một phần lợi nhuận cho dân. Lúc đó mới có thể huy động được số vốn khổng lồ này. Không thể bằng mệnh lệnh hoặc những biện pháp hành chính để huy động vì chắc chắn không thể thành công. 

Trong khi NHNN chưa đề ra các phương án huy động vốn vàng, những người sở hữu vàng có thể thuê két sắt tại các NHTM để cất giữ vàng. Chi phí thuê két sắt tại các NHTM hiện nay cũng rất rẻ. Vừa an toàn vừa chấp nhận được chi phí. 

Nghị định 24/2012/CP ngày 3-4-2012 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước 
1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
c) Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Ngân hàng Nhà nước cấp, thu hồi:
đ) Giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.