Tinh giản 100.000 biên chế nhà nước:

Cần tinh giản bộ máy trước khi tinh giản biên chế

ANTĐ - Bộ Nội vụ đang có một dự thảo nghị định về công tác tinh giản biên chế với chỉ tiêu giảm 100.000 công chức trong 7 năm. Con số giảm, theo dự thảo, được tính trên số người về hưu, về hưu trước tuổi và cho thôi việc vì thiếu năng lực và cũng là con số làm dư luận băn khoăn. Đây là con số nào? 

Minh họa: Internet

Mục tiêu 100.000 người ra khỏi biên chế đến 2020

Nếu chỉ là để 100.000 người ra khỏi biên chế thì con số này không có nghĩa. Có thể nói, với 2,8 triệu công chức hiện tại, số lượng nghỉ hưu hàng năm đã có thể hơn 100.000 người rồi, với 7 năm con số nghỉ hưu sẽ là con số khổng lồ. Vậy thì thực hiện mục tiêu của dự thảo Nghị định này quá dễ. Gác gối cao mà ngủ cũng đạt chỉ tiêu. Nhưng nếu con số này mà là con số giảm số chỉ tiêu công chức trong công tác hành chính, nghĩa là giảm số lượng công chức từ 2,8 triệu xuống 2,7 triệu vào năm 2020 thì quá ít và không có tác dụng lớn đối với nền kinh tế đất nước, chưa kể còn tốn thêm 8.000 tỷ đồng nữa. Chưa kể, viễn cảnh phong trào tinh giản biên chế rầm rộ sẽ nảy sinh các cuộc đấu đá vô hồi kỳ trận mà những người tài làm được việc có thể sẽ “ưu tiên” được tinh giản, để lại bộ máy những siêu quan liêu. 

Chúng ta bàn kỹ hơn một chút về các đối tượng sẽ bị tinh giản biên chế. Người đến tuổi nghỉ hưu sẽ phải nghỉ hưu. Điều ấy dễ thực hiện. Mà khi có chính sách rồi, những người đến tuổi muốn ở lại cũng không ở được. Các đối tượng cho nghỉ hưu sớm cũng không phải là việc khó giải quyết. Các đối tượng còn lại đều được căn cứ vào tiêu chí đánh giá chất lượng làm việc của công chức, là một điểm đáng chú ý.

Luật Công chức, Viên chức có quy định 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra khỏi đội ngũ, và từ lúc có luật đến nay, chưa có công chức nào bị nghỉ việc vì lý do này. Liệu sau khi nghị định mới được ban hành với các tiêu chí mạnh mẽ hơn, sẽ tìm ra được những công chức như vậy? Bộ Nội vụ mới đây đã thúc đẩy phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, không để tập thể đánh giá cá nhân như trước nữa. Nhưng việc này cũng mới khởi động, và khi trách nhiệm của cấp trên còn không rõ ràng, có hay không cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới, có hay không tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy… tinh giản biên chế. Và cuối cùng, những chính sách mới liệu có kịp đáp ứng mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy 100.000 cán bộ đúng thật là không có năng lực? Hơn nữa, sau khi giảm được từng ấy người, là không nhỏ so với 2,8 triệu công chức, viên chức cả nước hiện có, hiệu quả hành chính công vẫn được đảm bảo? Trong khi chính Thứ trưởng  Bộ Nội vụ - Trần Anh Tuấn đã cho biết nhiều cơ quan vẫn thiếu người làm được việc, phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, đến 7-8 giờ tối. Và trong khi năng lực của đội ngũ công chức vẫn là vấn đề đau đầu, thì việc tinh giản biên chế xong rồi lại tuyển vào để đảm bảo hoàn thành công việc thì thà đừng tinh giản nữa để khỏi tốn 8.000 tỷ đồng. 

Tinh giản bộ máy hành chính trước khi tinh giản công chức

Việt Nam đang là nước có số lượng cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn rất nhiều so với các nước khác, nếu tính trên số dân. Ở Việt Nam có quá nhiều nhiều tổ chức xã hội do Nhà nước cấp kinh phí, người làm việc ở các tổ chức này lại được xếp vào các ngạch bậc cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong khi ở hầu hết các nước, kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội đều dựa trên đóng góp của hội viên, ủng hộ viên và lương của những người làm việc trong các tổ chức này do quỹ của tổ chức chi trả. Riêng ở ta, tổ chức xã hội không những hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước mà bộ máy cũng rất cồng kềnh Nhà nước có bộ ngành gì thì bên đoàn thể cũng có ban bệ tương ứng. Tất cả đều là công chức ăn lương Nhà nước, số lượng công chức phình to là đương nhiên.

Còn thêm nhiều điều bất hợp lý, nhất là khi chúng ta đã chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường định hướng XHCN. Có rất nhiều lao động ở các doanh nghiệp Nhà nước cũng trong biên chế Nhà nước. Các doanh nghiệp này sử dụng tài nguyên quốc gia, kinh doanh bằng vốn từ ngân sách Nhà nước, phải tự trả lương, tự đóng bảo hiểm và phải ra khỏi biên chế Nhà nước.

Vậy muốn tinh giản biên chế, trước hết phải tinh giản bộ máy, mà đầu tiên là tinh giản bộ máy hành chính. Trước hết phải giảm số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước. Từ nay đến khi giảm được biên chế, không tăng thêm tổ chức, không chia tách thêm đơn vị hành chính. Các tổ chức xã hội đang hưởng ngân sách Nhà nước chỉ giữ lại bộ khung cán bộ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Các chức danh khác đề nghị làm theo hợp đồng lao động có thời hạn, tuyển dụng lại thường xuyên tùy theo quỹ lương của tổ chức. 

Kinh phí chỉ có vậy, “anh” tuyển đủ số lượng thì thu nhập khá, còn tuyển dư thừa thì chịu thu nhập thấp. Cơ quan, đơn vị làm việc kém hiệu quả thì “anh” bị miễn nhiệm. Cần sớm bỏ khái niệm biên chế Nhà nước, tăng cường sử dụng các hợp động lao động có thời hạn. Có vậy mới mong giảm được biên chế.  

Nếu bỏ biên chế nhà nước, số lượng công chức sẽ giảm ngay 30%

Có một người đã ví von: bộ máy hành chính như con thuyền an toàn dành cho những người không biết bơi. Chính vì quá an toàn cho nên dẫu con thuyền có đi chậm người ta cũng đua nhau lên thuyền, có khi thuyền đến bến rồi, người ta vẫn đi cố thêm vài chặng nữa. Vì vậy công chức bao giờ cũng là niềm mong ước của số đông các “thuyền viên” không biết bơi, không có năng lực.  

Quá an toàn với những điều kiện lao động tốt, rất ít khả năng bị sa thải, được đảm bảo công việc suốt đời, danh giá vì là người Nhà nước, tuần tự tăng lương, thăng tiến theo thời gian, chưa kể những bổng lộc không ngờ và có ngờ khác. Chính vì vậy, hầu hết sinh viên ra trường hiện nay, bất kể năng lực, chuyên ngành ra sao cũng cố chạy cho mình một chỗ trong bộ máy Nhà nước. Câu hỏi sẽ là: Người ta có còn cắm đầu vào đó nếu những điều kiện an toàn không còn. Trên con thuyền Nhà nước chỉ còn những hợp đồng lao động có thời hạn và thường xuyên phải xuống nước tự bơi? Chắc chắn có ít nhất 30% số công chức hiện tại tự nguyện… chạy ra khỏi bộ máy.