Cần thoát khỏi thủ đoạn “làm giá” của thương lái Trung Quốc

ANTĐ - Trao đổi với PV ANTĐ về hiện tượng thương lái Trung Quốc đột ngột bỏ về nước, không thu mua khiến giá vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang) giảm mạnh, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đây cũng là một thủ đoạn của thương lái Trung Quốc.

Cần thoát khỏi thủ đoạn “làm giá” của thương lái Trung Quốc ảnh 1
- Chúng ta đã bàn cách để giảm phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nhưng qua sự việc này cho thấy, dường như chưa có giải pháp nào hữu hiệu, thưa ông?

- Đối với mặt hàng vải thiều, năm ngoái và năm nay, thị trường đã có sự cải thiện so với trước đây. Trước đây, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, kể cả vải tươi và vải sấy khô. Thương lái Trung Quốc thường đến tận vườn đặt mua, “làm giá” từ khi có vùng vải tập trung ở tỉnh Bắc Giang. Nhưng từ năm 2014, chúng ta đã đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, khắc phục phần nào sự phụ thuộc quá sâu vào thị trường Trung Quốc. Năm nay, ta có thêm “kênh” đưa vải tươi sang Mỹ, Nhật, Pháp, Australia và bước đầu có được kết quả tốt. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển bằng máy bay lớn, khả năng đưa khối lượng lớn sang các thị trường trên khó thực hiện. Khi thương lái Trung Quốc thấy mình không đưa thêm sang các thị trường kia, mà nguồn cung vẫn lớn thì họ lập tức tìm cách hạ giá vải thiều xuống, bỏ về nước. Đây là thủ đoạn của họ.

- Theo ông, để hỗ trợ người dân Lục Ngạn tiếp tục tiêu thụ vải thiều tốt hơn ở thời điểm hiện tại, cần có những biện pháp gì?

- Trước hết, chúng ta cần phát huy kinh nghiệm năm ngoái, khi chưa đưa được sang các nước tiên tiến nhiều hơn thì cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Hai là, vải thiều không phải nước nào cũng có, ngay cả các nước ASEAN. Với hiệp định thương mại tự do Việt Nam - ASEAN, thuế suất 0%, năm nay ta chưa kịp xuất sang thì năm sau phải đưa vải thiều vào các nước ASEAN. Song ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần thăm dò thị trường, tìm cách đưa vải thiều sang các nước trong khu vực. Việc đưa vải sang thị trường ASEAN khá thuận lợi, không nhất thiết phải vận chuyển bằng máy bay, chi phí tốn kém, mà có thể sử dụng ô tô, tàu thủy… với chi phí thấp hơn.

Ba là, mới đây Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, tại Việt Nam đã có công nghệ Nhật Bản giúp bảo quản sau thu hoạch đối với vải thiều. Nếu áp dụng được công nghệ này thì vải thiều có thể bảo quản tươi tới 6 tháng. Khi đó, cộng với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ta sẽ không bị phụ thuộc vào Trung Quốc nữa.

Cuối cùng, theo tôi, nhu cầu Trung Quốc về vải thiều có thực. Vì vậy, nếu chúng ta tìm ra thị trường khác, không bị phụ thuộc quá nhiều điều kiện của họ thì sẽ thoát khỏi cách “làm giá” của họ. Không nên quá lo lắng vì họ bỏ về sớm.

- Có thông tin cho rằng, hiện lượng vải thiều chưa thu hoạch và tiêu thụ được tại Lục Ngạn vẫn rất lớn. Trong khi đó, báo cáo từ các cơ quan quản lý lại khả quan. Theo ông, thống kê không chính xác sẽ ảnh hưởng thế nào đến người trồng vải?

- Số liệu thống kê mà sai lệch thì không có chỉ đạo phù hợp. Mấy năm qua, thống kê của chúng ta đôi khi sai lệch. Thế nên, Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác thống kê. Nếu đúng như người dân phản ánh, còn quá nhiều vải chưa thu hoạch và tiêu thụ mà giá đã xuống sâu thì thật đáng tiếc. Cần phải có phúc tra, điều tra để nắm bắt tình hình thực tiễn cho đúng. Việc này không khó, có thể giải quyết trong những ngày tới. Tuy nhiên, về chủ quan, tôi đánh giá, thời điểm này, vải thiều đã bước vào cuối vụ, thu hoạch vãn rồi. 

- Xin cảm ơn ông!