Cần thiết phải có luật về an toàn thông tin

ANTĐ -Ngày nay, mạng internet đã trở thành trung tâm của nền kinh tế, xã hội mọi quốc gia song sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, tuyên truyền cũng đặt chúng ta vào một mối đe dọa mới, vô cùng nguy hiểm nếu không quản lý được.

Sáng nay, 6-4, tại buổi khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn thông tin.

Trình bày dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, tính hai mặt của công nghệ internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Cần thiết phải có Luật về an toàn thông tin (ảnh minh họa)

Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn. Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thông tin không chỉ nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin mà còn phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển, an ninh quốc phòng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, hiện nay ở nước ta chưa có một văn bản luật thống nhất bao trùm để điều chỉnh hoạt động an toàn thông tin mạng. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành dự thảo Luật An toàn thông tin là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật và cho rằng nên thu hẹp phạm vi của dự thảo luật này.

Các đại biểu cũng đề nghị việc xây dựng dự thảo luật cần phải đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời cần rà soát, nghiên cứu lại nội dung của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Các quy định được xây dựng phải bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, trong đó có việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Do vậy, các quy định được xây dựng nhằm giúp đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội.