"Cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra”, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Chiều 24-10, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng việc xây dựng, ban hành luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

“Thực tế cho thấy, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay”, ông Võ Trọng Việt nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá nội dung dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, không để chồng chéo, trùng lặp với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về thời điểm ban hành, Uỷ ban Quốc phòng và na ninh của Quốc hội kiến Quốc hội xem xét, thông qua Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cùng một thời điểm để thuận lợi trong việc tách bạch các nội dung của hai dự thảo Luật này, không để chồng lấn, trùng lặp.

Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành luật.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.

"Tuy nhiên, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau", Đại tướng Tô Lâm phân tích và cho biết nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 71 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cũng trong phiên làm việc Quốc hội chiều 24-10, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.