Cần thêm thời gian để khắc phục hậu quả cơn giông lịch sử

ANTĐ - Do khối lượng cây xanh bị thiệt hại sau trận mưa giông vào chiều tối 13-6 quá lớn nên đến nay, công tác thu dọn, khắc phục vẫn chưa thể hoàn tất. Một số tuyến phố vẫn còn cây được xử lý tạm trên hè. Dự kiến, cần thêm vài ngày nữa để xử lý triệt để hậu quả của trận mưa giông lịch sử này.

Cần thêm thời gian để khắc phục hậu quả cơn giông lịch sử ảnh 1Do khối lượng cây xanh gãy, đổ lớn nên phải mất nhiều thời gian để xử lý

Khối lượng cây đổ quá lớn

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến ngày 16-6, các đơn vị đã giải phóng thu dọn được 936 cây đổ, 192 cành gẫy (đường kính trên 10 cm) tại 12 quận nội thành. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị đã thu dọn cơ bản toàn bộ phế thải, cành cây, lá cây trên địa bàn 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Đống Đa. Hiện chỉ còn một số cây nghiêng đang chờ xử lý. Trong những ngày qua, các lực lượng môi trường đô thị, công viên cây xanh, chiếu sáng đều huy động 100% quân số để kịp thời khắc phục, giải tỏa hậu quả do cơn mưa giông ngày 13-6 gây ra. 

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, trong những ngày tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục rà soát, thống kê chi tiết các sự cố xảy ra trong cơn giông, phân loại theo chủng loại cây, đường kính, tình trạng… nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới, giảm tối đa thiệt hại khi xảy ra các tình huống tương tự. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra, lên phương án thay thế các cây đã bị gãy đổ, đảm bảo phù hợp với cây đô thị. Với những cây cong nghiêng, sâu mục, có nguy cơ đổ trong mưa bão, Sở cũng sẽ lên phương án thay thế nhằm đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết, tới nay, về cơ bản đã khắc phục xong tình trạng cây đổ cản trở giao thông, cây đổ đè vào nhà dân, công trình của các cơ quan, bộ, ngành. Hiện, các lực lượng chức năng đang tập trung giải tỏa một số điểm bị thiệt hại nặng như công viên, vườn hoa.

“Khối lượng cây bị đổ ở các điểm vui chơi, công viên vườn hoa rất lớn. Trong khi đó, quy trình xử lý cây gãy đổ rất phức tạp và mất thời gian, vì vừa phải đảm bảo an toàn cho công trình, nhà cửa, vừa phải đảm bảo an toàn cho những người trực tiếp tham gia làm việc”, ông Nguyễn Xuân Hưng cho hay. 

Đơn cử, với trường hợp cây xà cừ cổ thụ bật gốc ở địa chỉ 48 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), do cây đổ đè vào tòa nhà phía trong, nên phải mất gần 1 ngày các lực lượng như Công ty Công viên cây xanh, quân đội, công an cùng vào cuộc với máy cẩu, cưa máy… mới xử lý xong. 

Rà soát, thay thế cây không phù hợp 

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, hàng năm, công ty đều tiến hành rà soát, cắt tỉa, thay thế cây hư hỏng, sâu, mục trước mùa mưa bão. Bình quân, số lượng cây cắt tỉa, thay thế từ 3.000 đến 4.000 cây một năm. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường chỉ có thể phát hiện cây cong nghiêng, nguy hiểm, rất khó thấy được hiện tượng sâu, mục trong lõi. Trên địa bàn thành phố, không hiếm trường hợp cây xanh tốt bất ngờ đổ, thậm chí cả khi không có gió lớn. Lúc đó, mới phát hiện phần rễ cây đã hỏng, thối. 

Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 150.000 cây xanh các loại. Trong đó, có nhiều cây trồng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã già cỗi, có dấu hiệu sâu mục. Nhiều chủng loại cây phát triển không đều như phượng, cơm nguội, bàng, long não… hoặc cây lâm nghiệp không phải cây đô thị như keo, bạch đàn. Nhược điểm của những loại cây này là dễ bị gãy khi có gió lớn. Đối với cây xà cừ, do là cây rễ nông nên khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trong trận mưa giông chiều 13-6, có 34 cây xà cừ lâu năm bị bật gốc, đổ gãy gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, số cây muồng, bằng lăng bị gãy đổ nhiều nhất. 

Thiên tai là điều bất khả kháng, song có thể phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại nếu có sự chuẩn bị kỹ từ trước. Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, các đô thị lớn cần theo dõi thường xuyên hệ thống cây xanh, kịp thời cắt tỉa, chặt hạ cây nặng tán, cây có biểu hiện nguy hiểm. Đồng thời, cần nghiên cứu trồng những loại cây phù hợp, có bóng mát, thân thẳng nhưng phải có sức chống chịu gió bão tốt.