Cẩn thận khi chọn mua đũa inox

(ANTĐ) - Xu hướng sử dụng đũa inox, đũa nhôm thay thế đũa tre đang ngày càng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, liệu inox có phù hợp với ẩm thực Việt Nam hay không?

Cẩn thận khi chọn mua đũa inox

(ANTĐ) - Xu hướng sử dụng đũa inox, đũa nhôm thay thế đũa tre đang ngày càng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, liệu inox có phù hợp với ẩm thực Việt Nam hay không?

Chủ yếu vẫn là hàng không xuất xứ

Chị Vũ Thu Hằng (Thụy Khuê, HN) cho biết, thấy nhiều nhà sử dụng đũa inox để ăn cơm nên chị cũng mua chục đôi về dùng thử. Loại chị mua là hàng rẻ tiền, chỉ hơn 10.000đ/5 đôi, có hoa văn bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày sau khi sử dụng, đũa bị bong tróc và hoen gỉ.

Còn chị Nguyễn Hoài Thương (Đống Đa, HN) cũng cho biết đã từng dùng đũa inox, ngoài các ưu điểm như dễ rửa sạch, không bám dính thức ăn… thì đũa inox có hạn chế là bị nóng không nấu được, gắp đồ ăn nóng cũng phải cẩn thận. “Vì đũa inox trơn, dùng chưa quen hay bị rơi thức ăn, ngoài ra lúc và cơm vào miệng hay bị chấn vào răng kêu lách cách gây khó chịu” - chị Thương cho biết. 

Đũa inox thường trơn khi gắp thức ăn hơn đũa tre, khi và thức ăn thường kêu lách cách. Điều này đôi khi được cho là bất lịch sự đối với văn hóa ẩm thực Việt Nam, vì thế, người ta hạn chế sử dụng loại đũa này trong các bữa tiệc.

Được biết, đũa inox hiện nay trên thị trường chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên ngoài hộp đựng hoàn toàn là tiếng nước ngoài. Ngoài ra, chất lượng và giá cả cũng rất khác nhau. Theo một số người bán hàng, giá cả phụ thuộc vào chất lượng, hoa văn và kiểu dáng của đũa. “Thường các vỉ đũa có giá chỉ khoảng hơn 10.000đ/5 đôi là hàng mạ inox, còn các hàng inox xịn chủ yếu khác nhau ở hoa văn”, một người bán hàng ở chợ Mơ (Hà Nội) cho biết.

Theo PGS.TS Tô Duy Phương - Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đũa inox là chất liệu chịu nhiệt nên không bị cháy, hỏng như đũa tre. Ngoài ra, đũa inox không bị oxy hóa, bền trong môi trường xâm thực của kiềm, axít và bazơ nên trong thức ăn hàng ngày đũa vẫn đảm bảo chất lượng, trừ axit clo sẽ làm inox đổi màu. Đũa inox cũng có nhiều ưu điểm như dễ rửa sạch, không bám dính thức ăn như đũa tre, không bị mốc meo trong môi trường ẩm thấp, nhất là lúc thời tiết nồm của khí hậu Việt Nam.

Nguy hiểm cho sức khỏe

Theo TS Nguyễn Ngọc Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ vật liệu kim loại (Viện Khoa học vật liệu), hạn chế của đũa inox là bị dẫn nhiệt nên không thể sử dụng để nấu ăn. Ngoài ra, dùng để ăn thức ăn nóng cũng dễ bị bỏng tay.

Theo các chuyên gia vật liệu, cần thận trọng khi chọn đũa inox, nhất là hàng không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ ionx. Theo TS Phạm Đức Thắng - Phân viện trưởng Phân viện Vật liệu kim loại, chất chính của mạ inox có thể là thép hoặc tôn sắt. Để sản phẩm được trang trí đẹp mắt, tạo độ bóng hấp dẫn người mua, nhà sản xuất có thể mạ một lớp đồng, lớp niken và lớp crôm mỏng.

Tuy nhiên để tạo giá thành rẻ, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn sẽ gây nên các chà xát cũng như đũa được sử dụng trong môi trường axít như chua cay mặn ngọt của thức ăn khiến các lớp mạ này bị bong tróc.

“Đũa mạ inox nhanh bị xỉn đen gây mất thẩm mỹ, đồng thời các chất mạ là kim loại nặng, nếu rơi vào thức ăn, tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể dẫn đến nguy cơ có các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư…” - TS Phong chỉ rõ.

Theo các chuyên gia, có thể phân biệt đũa inox xịn và inox mạ bằng cách: Đũa inox xịn có màu sáng nhờ nhợ còn inox mạ có màu sáng bóng loáng. Nếu dùng nam châm, đũa inox xịn không hút hoặc hút nhẹ tay còn đũa mạ inox sẽ hút mạnh tay, khi lấy nam châm ra sẽ rất nặng…   

Việt Phương