Cẩn thận dính "bẫy" khi lọ mọ mua hàng trực tuyến

ANTD.VN - Mua sắm qua mạng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Kèm theo đó, những mặt trái như: lừa đảo, bị chiếm dụng thông tin cá nhân… ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng phải làm gì để được bảo vệ trong các giao dịch này?

Kiểm tra thông tin trước khi mua hàng trực tuyến (ảnh: Internet)

Gần đây, một số đối tượng giả mạo, tự nhận là cán bộ nhân viên của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) để thực hiện các hành vi lừa đảo tuyển chọn đại lý/điểm bán hàng. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin có cá nhân tự nhận là “Trưởng phòng kinh doanh toàn quốc Vietlott” với thông tin trên card với thông tin: Phan Văn Trường - ‎0947 159 xxx.

Kèm theo đó là lời mời chào mua hồ sơ đăng ký làm đại lý, điểm bán hàng với giá 2 triệu đồng/bộ hồ sơ. Ngay lập tức, Vietlott đã lên tiếng khẳng định thông tin này là giả mạo và khuyến cáo người tiêu dùng không nên nộp bất kỳ khoản tiền nào cho các đối tượng này khi chưa xác nhận cẩn thận, để tránh bị thiệt hại.

Tương tự, muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cho việc học, Nguyễn Kim Thanh (sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ) đã trở thành nạn nhân khi mua hàng qua mạng xã hội facebook. Theo lời kể của Thanh, trên facebook có thông tin của một trang cá nhân chuyên bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm xách tay. Thanh liên lạc và làm đại lý cho người chủ này.

“Tôi gom góp được 20 triệu để nhập hàng. Chủ hàng đã chuyển cho tôi một lượng hàng trị giá gần 6 triệu đồng, số còn lại họ không chuyển hàng tiếp nữa, cũng không trả lại. Với sinh viên, đây là khoản tiền rất lớn”- Thanh kể. Sau khi tìm hiểu, Thanh biết được nhiều người khác cũng là nạn nhân của người bán hàng dấu mặt trên facebook này. Hiện nay, Thanh đã trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết. 

Kinh doanh trên mạng xã hội đang là một xu hướng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân bởi những lợi thế về hiệu quả và chi phí cũng như tính tương tác với khách hàng. Kết quả khảo sát năm 2016 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho thấy có 34% doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, tăng 6% so với năm 2015. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài việc bị lừa đảo, người tham gia mua bán hàng trên mạng xã hội còn có nguy cơ bị mất, lộ lọt, sửa đổi thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng…

Theo các chuyên gia, để mua sắm an toàn, hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến, người tiêu dùng cần tỉnh táo để nắm bắt thông tin. Trong đó, chú trọng 7 bước cơ bản gồm: Lựa chọn đối tác giao dịch.

Đây phải là những đối tác đã có uy tín lâu dài; Hai là hiểu rõ về hàng hóa, dịch vụ và giao dịch; Ba là đảo đảm thiết bị bạn đang giao dịch là an toàn; Bốn là kiểm tra và so sánh bởi nhà cung cấp bao giờ cũng cố gắng làm nổi bật những ưu điểm của hàng hóa, dịch vụ và giao dịch mà sẽ cố gắng (hoặc cố tình) không đề cập đến những thông tin không có lợi. Ví dụ như sẽ nhấn mạnh yếu tố về giá mà “lờ” đi sự hạn chế trong điều kiện bảo hành hoặc chế độ trả hàng – hoàn tiền… Sau đó, người mua cần thận trọng khi thanh toán; lưu giữ bằng chứng giao dịch và cuối cùng, khi có sự việc không mong muốn xảy ra, cần liên hệ với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.