Cần sự chung tay của cộng đồng

ANTĐ - Mặc dù, nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý nhưng tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khống chế, thậm chí nhiều nơi còn có chiều hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội và sức khỏe, đời sống người dân.

Hành vi gây ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân gây ra các loại bệnh tật cho cộng đồng  

Những ngày này, dư luận đang lên án mạnh mẽ những vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường trong việc chôn lấp chất thải, hóa chất quá niên hạn sử dụng trong khuôn viên cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái, ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trong vụ việc này nếu các cơ quan chức năng hợp tác tốt với người dân địa phương, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường thì việc chôn lấp chất thải, hóa chất chưa qua xử lý nói trên đã được phanh phui và giải quyết từ nhiều năm trước. Bởi, người dân chính là kênh thông tin quan trọng, giúp các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường hiệu quả.

Hiện nay, một trong những dạng chất thải nguy hại, được xem là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường là các chất hữu cơ bền. Những hợp chất này vô cùng bền vững, tồn tại lâu trong môi trường, có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm, trong các nguồn nước mô mỡ của động vật gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm đối với con người, phổ biến nhất là ung thư. Đặc biệt, các chất hữu cơ trên được tận dụng nhiều trong đời sống hàng ngày của con người ở các dạng dầu thải trong các thiết bị điện gia đình, máy biến thế, tụ điện, đèn huỳnh quang, dầu chịu nhiệt, dầu chế biến, chất làm mát trong truyền nhiệt... Theo đánh giá của các chuyên gia, các loại chất thải nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng thường tập trung ở các khu vực làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải và vùng nông thôn.

Để phân loại chất thải, rác thải, ở Mỹ, các nhà quản lý cung cấp đến từng hộ gia đình nhiều thùng rác khác nhau. Sau đó, rác sẽ được thu gom 3 lần/tuần để vận chuyển, xử lý hoặc tái chế. Còn ở Nhật Bản, các gia đình đã phân loại chất thải thành 3 loại và cho vào 3 túi với màu sắc khác nhau theo quy định rác hữu cơ, rác vô cơ, giấy, vải, thủy tinh, rác kim loại. Rác hữu cơ được đưa đến nhà máy xử lý rác thải để sản xuất phân vi sinh. Các loại rác còn lại như giấy, vải, thủy tinh, kim loại... đều được đưa đến cơ sở tái chế hàng hóa.

Còn ở nước ta hiện nay những bãi rác trong các đô thị không theo quy hoạch tổng thể, nhiều thành phố, thị xã, thị trấn chưa có quy hoạch bãi chôn lấp chất thải. Việc thiết kế và xử lý chất thải hiện tại ở các đô thị đã có bãi chôn lấp lại chưa thích hợp, chỉ là những nơi đổ rác không được chèn lót kỹ, không được che đậy, do vậy đang gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề tới môi trường đất, nước, không khí… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Mặc dù, tại các thành phố, thị xã đã thành lập các công ty môi trường đô thị có chức năng thu gom và quản lý rác thải, nhưng chưa hiệu quả do khối lượng rác phát sinh hàng ngày còn rất lớn. Trừ lượng rác thải đã quản lý, số còn lại được những người dân thiếu ý thức đổ bừa bãi xuống các sông, hồ, ao, khu đất trống khiến môi trường nước và không khí đang bị ô nhiễm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, như nhiều đô thị khác, việc xử lý rác thải đang là bài toán phức tạp đối với Thủ đô Hà Nội. Ai cũng biết nếu như xử lý rác thải tốt vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển đô thị bền vững, vừa tiết kiệm chi phí nhưng để làm được điều đó cần có sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền các cấp, ý thức của mỗi người dân và nỗ lực của các cơ quan quản lý. 

Tin cùng chuyên mục