Cần rõ ràng để không ảnh hưởng đến an ninh thông tin quốc gia

ANTĐ - Sau bài phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh, chủ kênh truyền hình Fansipan TV, “Nhà mạng “khó thở” phải lấn sân sang truyền hình trả tiền”, Báo An ninh Thủ đô đã nhận được bài viết phản hồi của ông Đào Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm tính cước VNPT thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi có mấy ý như sau với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực viễn thông lâu năm và từng giảng dạy về lĩnh vực này:
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2015 sẽ có khoảng 30-40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền; đến năm 2020, phát triển khoảng 60-70% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 25-30% trong giai đoạn 2012-2015 và khoảng 10-15% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 800 triệu – 1 tỷ USD. Những con số ấn tượng này đã thực sự hấp dẫn các nhà khai thác viễn thông, những người có nhiều lợi thế khi “nhảy” vào cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hay IPTV bởi họ có lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng và có thể nhanh chóng phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng đến từng hộ gia đình.

Cần rõ ràng để không ảnh hưởng đến an ninh thông tin quốc gia ảnh 1
Ông Đào Trung Thành - Phó Giám đốc Trung tâm tính cước VNPT thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất (AVG), hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (VCTV, SCTV...), 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh (K+,VTC, AVG), 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV (VNPT, FPT, VTC, Viettel) và 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động (MobiFone, Viettel, VinaPhone, VTC). Số lượng các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hơi nhiều vì theo quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực, mỗi loại hình truyền hình trả tiền sẽ chỉ có 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp khu vực.

Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên 1 loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành, gây đổ vỡ thị trường... vì vậy cần phải có các cơ chế, chính sách kiểm soát giá cước, khuyến mại của các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hay kiểm soát giá thành của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình khác.

Đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350m. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát hộ gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể đến vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình Việt Nam. Dù chưa chính thức cung cấp dịch vụ, song những toan tính của Viettel cũng đang khiến không ít người kỳ vọng với sự góp mặt của các doanh nghiệp viễn thông sẽ đẩy thị trường truyền hình trả tiền bùng nổ tại Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông, thông tin của quân đội khác với hạ tầng cung cấp thông tin phục vụ mục đích dân sinh và hơn ai hết Viettel phải hiểu rõ điều này để không lẫn lộn và làm ảnh hưởng đến an ninh thông tin quốc gia.

Có nên tách bạch đơn vị chuyên về hạ tầng truyền dẫn với đơn vị làm nội dung hay không? Đó tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng đơn vị kinh doanh, không có công thức chung. Mỗi mô hình đều có lợi điểm và nhược điểm. Nếu tách bạch đơn vị chuyên về hạ tầng truyền dẫn với đơn vị làm nội dung thì các đơn vị sẽ chuyên tâm vào lĩnh vực mà mình am hiểu nhưng không tận dụng được lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng đã thiết lập trước. Nhưng nếu cho phép các doanh nghiệp chuyên về hạ tầng truyền dẫn làm nội dung thì cần phải có quy định rõ ràng nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình khác như nói phía trên.

Tác giả Đào Trung Thành, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm tính cước VNPT thành phố Hồ Chí Minh. Ông có bằng Cao học/Master's Degree • Network Security • Télecommunication tại Telecom & Management SudParis khóa 2005. Là giảng viên tại Học Viện Công nghệ Sài gòn từ 2001.