Cần phối hợp liên ngành kiểm tra phụ gia thực phẩm

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Phụ gia thực phẩm độc hại: Quản ai, ai quản?”, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã có buổi trao đổi kỹ hơn với phóng viên ANTĐ quanh vấn đề này.

Chất lượng những phụ gia thực phẩm cần được quản lý chặt chẽ

GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với phụ gia thực phẩm, cần phải phân biệt rõ thành 2 loại là phụ gia được phép sử dụng và phụ gia độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm. Cũng có một số loại phụ gia thực phẩm độc hại nhưng khi sử dụng với một nồng độ, liều lượng cho phép thì cũng không gây độc hại, chẳng hạn như chất tạo đục DEHP vừa làm hoang mang dư luận gần đây. Các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng thì phải được cơ quan chức năng cấp phép, nếu sử dụng chế biến thực phẩm thì do ngành y tế cấp phép, sử dụng bảo quản, bảo vệ thực vật thì do Bộ NN&PTNT cấp phép… Luật không cấm kinh doanh mặt hàng phụ gia thực phẩm độc hại mà chỉ yêu cầu kinh doanh đúng đăng ký, sử dụng đúng mục đích.

Theo Luật An toàn thực phẩm (ATTP), ngành y tế được giao chức năng quản lý chất phụ gia cho vào thực phẩm, nhưng muốn quản lý được chặt chẽ chất này từ đầu vào (trồng trọt, chăn nuôi) đến đầu ra (chế biến thành thực phẩm) thì cần có sự phối hợp liên ngành: y tế, NN&PTNT, công thương, thậm chí cả cảnh sát môi trường. Tại Hà Nội, hiện thành phố đã cấp cho tất cả các xã, phường bộ test thử nhanh để phục vụ mục đích kiểm tra VSATTP trên địa bàn. Bộ test này có thể phát hiện được bằng định tính chất hàn the, folmaldehyde, ôi thiu, giấm, phẩm màu công nghiệp có trong thực phẩm. Những mẫu thực phẩm nghi ngờ sẽ được chuyển đến các labo được cấp phép để kiểm nghiệm lại.

Được biết, trong ngày 15-10, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội đã kiểm tra 2 cơ sở sản xuất tương ớt trên địa bàn gồm: cửa hàng tự chọn số 2 Lĩnh Nam, thuộc Công ty TNHH Trung Thành và cơ sở sản xuất tương ớt Châu Tuấn, số 2 ngõ 27 Đại Cồ Việt. Ngoài việc phát hiện một số sai phạm như việc xin cấp phép sai thẩm quyền quy định của Công ty TNHH Trung Thành (được UBND quận Hoàng Mai cấp phép kinh doanh ngày 5-5-2009, trong khi theo quy định thì cấp công ty phải do thành phố cấp phép)… tại 2 cơ sở này, đoàn đã lấy mẫu tương ớt để gửi xét nghiệm.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết, chính bản thân ông đã được nghe nhiều phản ánh về việc người ta dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm màu hạt dưa, tương ớt, xôi gấc… và qua kiểm tra những lần trước, thực tế cũng đã phát hiện một số sản phẩm hạt dưa có nhuộm phẩm màu công nghiệp Rhodamine B. Tuy nhiên, qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất tương ớt gần đây đã không còn phát hiện vi phạm. Điều đó phần nào cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về sử dụng phụ gia thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết thêm, cùng với Luật ATTP được ban hành, Bộ Y tế cũng sẽ bổ sung thêm danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm. Các đoàn kiểm tra, hậu kiểm căn cứ trên danh mục này, nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm buôn bán chất phụ gia nằm ngoài danh mục thì có nghĩa là sử dụng sai mục đích, phải xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, do chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTP nên việc thực hiện Luật vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao công tác quản lý ATTP nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng, nghị định hướng dẫn đang rất được mong chờ.

Ngày 15 -10, Bộ Y tế đã tổng kết 9 tháng đầu năm 2011 về kết quả công tác ATVSTP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến tham luận được đưa ra về tình trạng các vi phạm về ATVSTP đang ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, các chất phụ gia trong thực phẩm vượt quá mức cho phép chưa được kiểm soát, đặc biệt là tình trạng tương ớt nhuộm phẩm màu, chứa chất độc hại…