Cần phải làm gì khi bị “lật kèo” mua bán đất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi mua mảnh đất gần 2 tỷ đồng và đã trả 1,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ hoàn tất thanh toán khi bên bán sang tên “sổ đỏ” cho tôi. Nhưng ngay sau đó, bên bán lại bán mảnh đất (đã bán cho tôi) cho người khác và người này đang làm thủ tục sang tên “sổ đỏ”. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm thế nào để bảo vệ tài sản của mình? Nguyễn Văn Hưng (Hà Nội)
Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản tại tổ chức hành nghề công chứng và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền (Ảnh minh họa)

Việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản tại tổ chức hành nghề công chứng và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Khi bạn mua đất và đã giao tiền cho bên bán 1,5 tỷ đồng nhưng không rõ 2 bên có lập giấy tờ bằng văn bản gì không và lập như thế nào, lập viết tay hay đã qua tổ chức công chứng. Xung quanh việc mua bán đất đai, chúng tôi xin nêu ra các quy định cơ bản của pháp luật để bạn tham khảo.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì việc chuyển dịch quyền sử dụng đất phải lập thành văn bản tại tổ chức hành nghề công chứng và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, nếu bạn đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, nghĩa là 2 bên thực hiện lập văn bản chuyển dịch tài sản tại tổ chức hành nghề công chứng và chưa hoàn thiện để sang tên bạn mà người đó lại chuyển nhượng cho người khác thì người bán đó đã vi phạm thỏa thuận giao kết hợp đồng giữa hai bên. Còn nếu 2 bên chỉ mua bán bằng giấy viết tay mà chưa qua tổ chức hành nghề công chứng và bạn đã thanh toán 1,5 tỷ đồng trên tổng giá trị 2 tỷ đồng, tức là đã thanh toán được trên 2/3 nghĩa vụ do 2 bên thỏa thuận thì theo quy định tại Điều 129 - Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên tranh chấp và kiện đến tòa án sẽ căn cứ vào thực tế, ý chí, thỏa thuận của các bên tòa án sẽ xém xét, quyết định việc mua bán đất đó có bị vô hiệu hay không.

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Theo đó, Điều 129 - Bộ luật Dân sự quy định, giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ các trường hợp:

- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Với trường hợp của bạn, người bán đất đã bán cho bạn và nhận tiền nhưng sau đó lại bán thửa đất đó cho người khác. Nếu việc giao kết đã rõ ràng mà người đó “lật kèo” bán cho người khác thì hai bên sẽ thỏa thuận giải quyết hậu quả của việc “lật kèo” này. Trường hợp người bán “lật kèo” và chiếm đoạt số tiền của bạn thì tùy theo tính chất, mục đích, động cơ của hành vi chiếm đoạt, người bán đất có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại các Điều 174 và Điều 175 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Từ phân tích trên, có thể thấy, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước tiên bạn cần có đơn ngăn chặn chuyển dịch tài sản gửi đến cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tư pháp, UBND xã, phường nơi có tài sản. Mặt khác, nếu là quan hệ dân sự thì bạn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền nơi có tài sản giải quyết. Trường hợp có dấu hiệu hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì bạn làm đơn trình báo hay đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra Công an cấp quận, huyện nơi diễn ra giao dịch giữa 2 bên để giải quyết theo quy định pháp luật.