Cần nhưng chưa phải lúc

ANTĐ - Một thực tế không thể phủ nhận là đời sống người lao động hiện nay rất khó khăn, lương tối thiểu không đủ trang trải cho mức sống tối thiểu. Dự thảo điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đưa ra lấy ý kiến. Nếu hai phương án tăng lương theo đề xuất của Bộ được Chính phủ thông qua, thì sẽ được áp dụng từ 1-1-2013 tại các công ty, doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức thuê mướn lao động. Song, hiệu quả của việc tăng lương dường như chưa “đong đếm” được?

Một khảo sát về tăng lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, 65% người lao động không đủ sống với mức lương hiện có. Một người lao động ở Hà Nội hồi năm ngoái phải dành hơn 1 triệu đồng/tháng, tức là khoảng 35.000 đồng/ngày cho gạo, mắm, rau củ, thịt cá.

Với tình hình hiện nay, khi các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống liên tục tăng giá, chắc chắn số tiền trên không đủ mua thức ăn cho nửa ngày, chưa nói tới những chi tiêu bắt buộc khác trong sinh hoạt hàng năm. Như vậy, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, không thể không giải bài toán tăng giá những mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống như điện, gas, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Cuộc sống chật vật không chỉ vì lương thấp, không đủ trang trải mà còn vì giá cả tăng liên tục khiến đồng tiền trượt giá, mất giá. Tăng trưởng tối thiểu là rất cần thiết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tăng lương tối thiểu thì cả doanh nghiệp và người lao động đều thiệt thòi. Lý do là nếu tăng lương thì người lao động bị trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp nhiều hơn.

Còn với doanh nghiệp, phần đóng bảo hiểm cũng đội lên tương ứng, đẩy giá thành tăng lên. Doanh nghiệp lẫn người lao động đều “mất” thêm một số tiền. Đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, tăng khó khăn cho sản xuất kinh doanh và gây áp lực lên người lao động, lương thưởng không được cao như lúc “ăn nên làm ra”. Nhà nước đã khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn mức lương tối thiểu. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động trên 3 triệu đồng/tháng, cao hơn mức 

2,5 triệu đồng hoặc 2,7 triệu đồng như 2 phương án của Bộ LĐ-TB&XH. Với những doanh nghiệp có khoảng 2.000-3.000 công nhân, tiền đóng các loại bảo hiểm lên tới cả tỷ đồng mỗi tháng. Nếu tăng lương tối thiểu thêm 35% như đề xuất của Bộ thì con số này sẽ tăng thêm 300 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng hơn, người lao động là đối tượng được chính sách nhắm tới lại không được hưởng lợi từ việc tăng lương do phần lương thực nhận sau khi trừ các khoản lại giảm so với trước. Đó là chưa tính đến thời điểm áp dụng mức lương mới vào đầu năm sau, từ nay tới đó tình hình giá cả sẽ diễn biến ra sao? Vốn sản xuất, lương công nhân “nằm” trong hàng tồn kho có chuyển hóa thành tiền không?

Không phủ nhận việc cần phải tăng lương tối thiểu, nhưng một luồng ý kiến cho rằng cần nhưng chưa phải lúc. Một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vẫn kiên quyết theo đuổi việc tăng lương vào năm 2013 mà không tính đến chuyện tạm hoãn. Lý do là nếu không tăng sẽ không theo kịp lộ trình mà Chính phủ đã thông qua. Lộ trình phải đảm bảo, song không thể áp đặt khiên cưỡng, không dựa trên tình hình thực tế.