Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội:

Cần những cách làm mới

ANTD.VN - Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội qua 10 năm đã đạt được nhiều kết quả đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có những cách làm mới để phù hợp, hiệu quả hơn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng hiện nay.

Đây là những vấn đề được nêu ra tại hội thảo về “Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội” được Sở Công Thương tổ chức sáng nay, 29-11. Theo đó, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được UBND TP Hà Nội xây dựng trừ năm 2005, với mục tiêu “Phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường”.

Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đã đóng góp gần 60.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ tực từ 10-11%.

Phần lớn sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, một số xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng; nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các công ty lớn của Nhật Bản; Một số doanh nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo ra những sản phẩm điển hình.

Tính đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội qua 10 năm cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Chưa đạt được các mục tiêu đề ra; Chưa có nhiều hạt nhân, mô hình phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch; Quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện Chương trình chưa được xác định rõ nét, do đó hiệu quả, kết quả chưa đạt được tầm vóc như tên gọi; Chưa khẳng định vai trò động lực phát triển của sản phẩm công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế Thủ đô;

Chưa gắn kết các doanh nghiệp chủ lực phát triển giữ vai trò hạt nhân thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia hình thành chuỗi sản xuất; Sức lan tỏa của Chương trình trong cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế; Chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chủ lực...

Góp ý tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng giai đoạn tới, Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội nên có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình mới, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chẳng hạn như cần thay đổi đối tượng hỗ trợ trong chương trình.

“Với ngành dệt may - da giầy trước đây giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhưng hiện nay lao động đã khan hiếm, trong khi hiệu quả kinh tế chưa cao. Thống kê của chúng tôi khoảng 90% doanh nghiệp gia công, chỉ có nhà xưởng và lao động thôi còn lại phụ thuộc nước ngoài hoàn toàn, chỉ 1% có thương hiệu mà thôi” - bà Trương Thị Thu Hà (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) nêu quan điểm.

Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông - doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội

Cho rằng nên tiếp tục đề án này, ông Hoàng Chính Nghĩa - Cục phó cục Công nghiệp địa phương khẳng định các doanh nghiệp luôn cần địa phương đồng hành. Việc hỗ trợ không phải chỉ về tiền, mà còn cần nhiều vấn đề khác, chẳng hạn kết nối thị trường, xúc tiến mở rộng đối tác, kết nối với các nhà khoa học...

“Phải xác định rõ sản phẩm công nghiệp chủ lực, nội hàm của nó là gì thì mới xác định được hỗ trợ như thế nào. Phát triển công nghiệp chủ lực không cần thiết là những doanh nghiệp có tỷ trọng cao mà nên tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, có thể bây giờ chưa có tỷ trọng lớn nhưng thành phố định hướng nó để trở thành mũi nhọn” – ông Hoàng Chính Nghĩa nói.

Cũng khẳng định tính cần thiết của đề án, đa phần các chuyên gia đều cho rằng cần xác định rõ sản phẩm công nghiệp chủ lực là gì để tập trung hỗ trợ. Chương trình nên hướng tới những doanh nghiệp mới, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp start up, các ngành kinh tế xanh, ít phát thải...