Cần những biện pháp cụ thể

ANTĐ - Chị Nguyễn Hoa Thuý (kiến trúc sư, 25 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) chăm chú theo dõi Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đối thoại trực tuyến với nhân dân…

- Chị quan tâm đến vấn đề gì nhất?

- Đi chợ hàng ngày, tôi quan tâm nhất đến chất lượng thực phẩm. Hết cúm gia cầm lại đến thịt “siêu nạc”, rồi còn một số người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nữa, thật không yên tâm. Đi chợ nhìn miếng thịt đóng dấu VSATTP mà vẫn thấy lo lo… Theo tôi phải xử lý mạnh tay và công bố cụ thể những địa phương, cơ sở sản xuất vi phạm để người dân biết, tránh. Phổ biến cách phân biệt đơn giản nhất thực phẩm sạch với bẩn để người dân chủ động, không tẩy chay, gây khó khăn cho những nông dân làm ăn chân chính.

- Nông nghiệp luôn là ngành quan trọng cả với các nước phát triển. Theo chị, ngành này ở Việt Nam đã được đầu tư đầy đủ?

- Tôi có người bạn trước được tuyển thẳng vào Đại học Nông nghiệp, rồi được học bổng đi du học. Sang đến nơi, bạn ấy lại xin chuyển ngành học, chỉ vì thu nhập sau này. Tôi nghĩ, riêng cơ chế thu hút người tài của lĩnh vực này còn quá kém, thế nên nông sản của chúng ta so với các nước bạn kém cả về chất và lượng. 

- Thế còn vấn đề đô thị hoá, đất nông nghiệp thu hẹp?

- Những cánh đồng ngoại thành Hà Nội bát ngát ngày xưa giờ lọt thỏm bên những khu đô thị. Phát triển không thể bằng cách đánh đổi… Ngược đời là giờ người ta lại vất vả tận dụng từng mảnh đất để trồng rau, quả ở ngay các khu đô thị hiện đại.

- Những buổi đối thoại trực tuyến thế này cũng rất hay đấy chứ?

- Rất cần thiết. Nó thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước khi dám nhìn thẳng vào sự thật. Đối thoại cũng là một cách để minh bạch thông tin. Tuy vậy cái người dân cần là các giải pháp cụ thể, có thế những buổi đối thoại này sẽ thực sự hiệu quả.