Cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu nhằm khơi thông tín dụng và quay vòng vốn, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu  ảnh 1
Giải quyết nợ xấu giúp có thêm nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp. Ảnh: Phú Khánh

Truy tìm nguồn gốc

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng An Bình, cần phải bóc tách được câu chuyện sở hữu chéo tận gốc thì nợ xấu mới được giải quyết triệt để. Một chuyên gia ngành ngân hàng khác cho rằng, truy tìm nguồn gốc nợ xấu không khó, chỉ cần quay lại quá khứ là xác định được vấn đề. Theo ông, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam thời gian qua rất nhanh và mạnh. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thể dễ dàng vay mượn được vốn ngân hàng, chủ yếu dựa vào quan hệ thân quen. Song khả năng quản lý của doanh nghiệp Việt Nam lại bộc lộ nhiều hạn chế trong khi năng lực giám sát, thanh tra, kiểm tra của các khối ngân hàng Nhà nước lại chưa được tốt, khiến nợ xấu phát sinh. Nhiều ngân hàng dồn tiền đầu tư vào bất động sản và nguồn tiền đã đọng lại đây. 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là thực hư về quy mô nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu chiếm 4,47% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Còn cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nêu ra con số nợ xấu là 202.000 tỷ đồng, tỷ lệ 8,6% tổng dư nợ. Và các tổ chức nước ngoài cảnh báo, nợ xấu Việt Nam ở tầm cao hơn 12%. Sự “vênh” nhau của những con số này khiến cho thanh khoản của các ngân hàng dù được trấn an là ổn định, nhưng thường xuyên có cuộc chạy đua hay lách trần. 

Vì những nguyên nhân trên, đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu đã được trình Chính phủ. Nhưng còn nhiều việc phải làm để xử lý dứt điểm nợ xấu thì các quyết định cần thêm thời gian để đi vào thực tế. 

Theo ông Hiếu, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu sẽ không mang lại lợi ích cho ngân hàng bởi các ngân hàng thương mại sẽ chuyển quyền sở hữu các khoản nợ và bán luôn cả tài sản thế chấp sang cho công ty mua bán nợ. Công ty mua bán nợ này sẽ định giá lại giá trị của các khoản nợ để tránh rủi ro, thường là vào khoảng 50-80% giá trị. Trong sổ sách ngân hàng vẫn âm từ 30-50% giá trị tài sản. Các ngân hàng không được lợi từ việc bán nợ xấu, nhưng họ vẫn phải làm để khơi thông tín dụng và quay vòng vốn.

Tập trung giải quyết 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa- thành viên Hội đồng Tư vấn tài Chính tiền tệ quốc gia cho biết, thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu - vật cản chủ yếu đối với việc bình thường hóa quan hệ tín dụng, tạo ra dòng chảy hợp lý về vốn của nền kinh tế là một giải pháp cho tình hình hiện tại.

Theo ông Nghĩa, giai đoạn 2 của công cuộc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng thương mại là xử lý nợ xấu đang được rốt ráo triển khai. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt quy định tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ như giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ... Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải biết cơ cấu và nguyên nhân nợ xấu trước khi đưa ra giải pháp xử lý. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi - Trường đào tạo nhân lực Vietinbank, hiện nay, không ít báo cáo tài chính của doanh nghiệp không chính xác. Vì vậy, một số khoản vay ra khỏi ngân hàng bản chất đã là nợ xấu, không cần đợi đến khi không trả được nợ. Biết rõ nguyên nhân nhưng ngân hàng không dễ ngăn chặn bởi lâu nay, quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp thường dựa trên mối quen biết. Điều này dẫn đến nguồn lực bị phân bổ bất hợp lý. Nợ xấu vì thế cũng tăng lên.