Căn nguyên tai nạn giao thông: Yếu kém trong quản lý

ANTĐ - Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã có xu hướng giảm, nhưng mục tiêu giảm từ 5-10% số TNGT trên cả ba tiêu chí theo nhận định còn nhiều  gian nan. 

Gia tăng TNGT được nhận định lỗi chủ quan do quản lý Nhà nước

TNGT giảm nhưng số người chết vẫn tăng

Nhận định về tình hình TNGT những tháng qua, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho hay, sau khi có Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, ban hành ngày 23-6-2013), tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra đã giảm rõ rệt. Qua theo dõi, từ tháng 6 đến nay chỉ xảy ra 1 vụ làm chết 1 người, bị thương 3 người. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho rằng, trong 3 tháng liên tiếp gần đây, những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm phương tiện tiềm ẩn nguy cơ cao như xe khách, xe container đã giảm, số người chết vì tai nạn đã thấp hơn các tháng trước. 

Trong 9 tháng đầu năm,  trên cả nước xảy ra 21.861 vụ TNGT, làm chết 7.040 người, bị thương 21.780 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 5,67% nhưng tăng 2,01% số người chết. “So với tiêu chí kéo giảm TNGT từ 5 -10% thì chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu do để số người chết tăng, đây chính là hậu quả của các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách làm chết và bị thương nhiều người”, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nhìn nhận. Để đảm bảo giảm từ 5-10% TNGT trên cả ba tiêu chí, là rất khó khăn, vì thời điểm cuối năm nhu cầu vận tải, đi lại tăng cao. Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, mục tiêu kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp các ngành. Trên thực tế, mối nguy cơ tiềm ẩn tăng TNGT do xe khách thường vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và thứ hai, vào những thời điểm này lượng hành khách đi trên các tuyến rất đông, cùng với việc cạnh tranh kinh doanh vận tải thường vi phạm về tốc độ, chở quá số người… Trong đó, tập trung các xe chạy tuyến đường dài trên QL1 và xe liên tuyến có nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn. Ngoài ra, đi kèm với nguyên nhân trên là do thời tiết xấu và đi vào ban đêm nên làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT.

Sớm loại bỏ doanh nghiệp không đạt yêu cầu

Nếu như trước đây, TNGT gia tăng phần lớn được cho là do ý  thức của lái xe; do doanh nghiệp bỏ bê, khoán trắng cho lái xe dẫn đến tình trạng chạy ẩu, tranh giành khách, thì nay, các cơ quan chức năng cũng đã nhìn thẳng vào sự thực. Ông Nguyễn Văn Thuấn cho hay, hiện nay, chúng ta đã thống nhất trong việc chỉ ra căn nguyên của TNGT là yếu kém trong công tác quản lý. “Tại Chỉ thị 12 có thể thấy có 3 điểm mới. Đó là việc xác định và chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, bất cập trong công tác thực thi công vụ và bất cập trong công tác quản trị doanh nghiệp”. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, các biện pháp kiềm chế, kéo giảm TNGT trước đây chúng ta cũng đã có, nhưng chưa “bắt đúng bệnh”. Đã đến lúc cần xử lý triệt để những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, các cơ quan quản lý cần sớm chấm dứt việc để những doanh nghiệp vận tải có 1, 2 xe, khoán trắng cho lái xe trên đường tham gia kinh doanh, tạo cạnh tranh không lành mạnh. 

Qua theo dõi, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, đối với các doanh nghiệp lớn, có uy tín thì TNGT xảy ra ít, tai nạn xe khách thường rơi vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, xe khách tư nhân, do đó cần phải tăng cường quản lý, giám sát ở các doanh nghiệp và địa phương là điều quan trọng nhất để hạn chế TNGT. “Chúng tôi đã đi thực tế xe khách trên các tuyến đường dài, nhiều nhà xe có thái độ phục vụ rất tốt, nhắc nhở hành khách chấp hành các quy định chung, có ý thức lái xe an toàn, không đón trả khách sai quy định. Đây chính là một trong những giải pháp để hạn chế những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách” - Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nói.