Cần một cơ chế điều hành, kiểm tra, giám sát thường xuyên

ANTĐ - Tờ báo Yomiuri Shimbun phản ánh việc Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam hơn 80 triệu yên (tương đương 16 tỷ đồng) để trúng gói thầu tư vấn dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội. Chưa biết thông tin trên báo chí Nhật thực hư ra sao, song sự việc trên đang gây chấn động dư luận. 

Trong một phản ứng khá nhanh của phía Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã họp khẩn với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, dù người đó là ai. Hàng loạt hành động, phản ứng mau lẹ, kiên quyết của các cơ quan chức năng được dư luận rất hoan nghênh và tin rằng với sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt như vậy thì những thông tin mà báo chí Nhật phản ánh, sẽ sớm được làm rõ. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra bê bối liên quan các dự án ODA từ Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam. Nhưng nếu so sánh con số 16 tỷ đồng tiền “lại quả” cũng như tầm quan trọng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây thì những con số thể hiện một điều, dự án càng to quy mô tham nhũng càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng lời tố cáo của JTC ít nhiều đã cho thấy được sự gian dối trong xây dựng công trình như thế nào.  Điều này có thể lý giải những  tồn tại mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh - đề cập khi thảo luận về Luật Đầu tư công, đó là các dự án tăng giá gấp 3 so với ban đầu. Liên danh nhà thầu JTC - đơn vị dính nghi án hối lộ quan chức Việt Nam đã trúng thầu dự án với mức giá gần 900 tỷ đồng, sau hai năm được điều chỉnh lên hơn 1.226 tỷ đồng. Có những dự án đường cao tốc ở Việt Nam thường đắt gấp đôi ở Mỹ, Trung Quốc nhưng thông xe được ít ngày đã thấy ổ voi, ổ gà.   

Vụ việc này cũng bộc lộ rõ những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý cán bộ, cũng như sự thiếu sát sao trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thường xuyên của lãnh đạo ngành này đối với dự án. Phải chăng năng lực chuyên môn yếu kém không phát hiện ra sai phạm hay chính những người “trong cuộc” - những người biết rõ hành vi tiêu cực, tham nhũng đã tiếp tay cho tham nhũng. Để rồi tham nhũng ngày càng lộng hành, làm tha hóa đời sống và các mối quan hệ xã hội. Và thật tai hại khi những hành vi này ngày càng được coi là những chuyện bình thường, cần phải có.

Hầu hết các vụ việc tham nhũng đều không do bộ máy giám sát của Nhà nước phát hiện được mà là do dân chúng hay báo giới phát hiện ra. Theo báo chí Nhật, nhờ kiểm soát thuế chặt chẽ, cục thuế Tokyo đã lần ra những khoản chi bất minh cả trăm triệu yên mà vị Chủ tịch JTC phải thừa nhận. Ước gì ở ta cũng có những công cụ kiểm soát thu nhập, tài sản của các quan chức hữu hiệu tương tự. Bởi vốn vay ODA chính là khoản nợ công mà mỗi công dân Việt đã, đang và sẽ phải gánh trả, người dân có quyền đòi hỏi nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ, không lãng phí, thất thoát.