Gian nguy theo dấu tội phạm truy nã:

Cần một chữ Tâm (4)

ANTĐ - Gây án rồi trốn chạy, sống mai danh ẩn tích, chui lủi ở chốn thâm sơn cùng cốc, tạo cho mình vỏ bọc che mắt thế gian nhưng dường như không lúc nào các đối tượng bị truy nã được sống theo đúng nghĩa của một con người…

Cuộc sống chui lủi 

Sự trốn tránh của các đối tượng khiến công tác truy nã luôn gặp khó khăn

Ngồi đối diện với các trinh sát  trong quá trình lấy lời khai đối tượng truy nã tại nhiệm sở Công an tỉnh Đồng Nai, Trịnh Văn Ba, SN 1969, quê xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ mang dáng dấp của người ngoài 50 tuổi. Theo hồ sơ vụ án, năm 1994, Ba cùng đồng bọn thực hiện một vụ cưỡng đoạt tài sản trên địa bàn xã Hoàng Diệu , Chương Mỹ sau đó, bị lực lượng công an bắt giữ và Tòa án nhân dân huyện Chương Mỹ đưa ra xét xử với mức án phạt là 6 tháng tù giam. Nếu chấp hành án thì Ba chỉ còn chịu hơn 4 tháng án tù giam, bởi trước đó, đối tượng bị tạm giam hơn một tháng để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian tại ngoại chờ thi hành án Ba đã bỏ trốn khỏi địa phương. 

13 năm trốn chạy, dường như lúc nào Ba cũng sống trong lo sợ tới một ngày nào đó sẽ bị lực lượng công an bắt giữ. Cái suy nghĩ đó cứ đeo đuổi mãi khiến Ba sống trong thấp thỏm lo âu, nay đây mai đó nhằm đối phó sự truy tìm của cơ quan công an. Dần dần, Ba cũng tìm cho mình những vỏ bọc để che mắt lực lượng chức năng sở tại. Với dáng vẻ bề ngoài điềm đạm, Ba nhanh chóng chiếm được cảm tình của một thôn nữ và sau đó kết hôn rồi có 2 mặt con.  Một mái ấm gia đình thuận hòa, kinh tế khá giả lại là đại lý cung cấp trứng và giống chim cút có tiếng ở tổ 5, ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai khiến ai nhìn vào cũng ước ao.

Dường như cuộc sống gia đình làm cho Ba cảm thấy thấm thía và ân hận với lỗi lầm của mình. “Em biết tội của mình trước sau cũng phải trả. Nhiều lần em, có ý định ra đầu thú nhưng nghĩ cảnh tù tội nên sợ và không vượt qua nổi. Bây giờ thế này, em đã làm liên lụy cho vợ con rồi. Em suy nghĩ thật nông cạn”. Trịnh Văn Ba cứ than thở suốt quá trình lấy lời khai khiến ai cũng thấy mủi lòng vừa giận vừa thương bởi sự hạn chế về nhận thức và thiếu hiểu biết pháp luật của Ba.

Cũng giống như Trịnh Văn Ba, đang trong thời gian tại ngoại và chờ thi hành án 7 năm tù về tội cướp tài sản nhưng Đỗ Văn Phú, SN 1981, ở Khai Thái, Phú Xuyên đã trốn mất tăm từ năm 2001. Lực lượng công an đã nhiều lần truy tìm tung tích của Phú nhưng không được. Và chỉ trong chuyến công tác gần đây của Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm - CATP, Đỗ Văn Phú mới sa lưới pháp luật. 10 năm lẩn trốn, Phú phải chui rúc khắp gầm trời từ các chốn thâm sơn cùng cốc của núi rừng Tây Nguyên đến TP Hồ Chí Minh và chưa bao giờ Phú được sống theo đúng nghĩa của con người. Với bề dày “chiến tích” một thời, nên Phú rất tinh quái trong đối phó với cơ quan chức năng. Tại TP Hồ Chí Minh với cái tên của người anh trai Đỗ Văn Thái, nghiễm nhiên Phú trở thành công dân của tổ 5, khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Hơn nữa, với nghề nghiệp ổn định làm thợ inox khiến cư dân xung quanh không nghi ngờ về qua khứ tội lỗi của Phú. 

Tuy nhiên, mọi toan tính của Đỗ Văn Phú không qua nổi mắt các trinh sát truy nã CATP Hà Nội. Kiên trì, rà soát sàng lọc trên 10.000 nghìn nhân khẩu ở đây, các anh đã phát hiện và bắt giữ Phú. Khi lực lượng công an ập vào nhà, Phú đã nhanh chóng hiểu ra sự việc. Phú gọn lỏn. “Em xin chấp hành” rồi ngoan ngoãn tra tay vào còng số 8.

Không chỉ là bắt

Công tác truy nã tội phạm, không chỉ đơn thuần là việc lần theo dấu vết tội phạm để truy bắt đối tượng đến cùng đưa về quy án, với mỗi trinh sát cũng phải biết vận động giáo dục thuyết phục cảm hóa đối tượng và gia đình nhận thấy tội của mình và cao hơn cả là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải hoàn lương. Đó cũng là trải lòng của Thượng tá Trần Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, CATP. 

Có lẽ đến giờ, các anh không thể nhớ hết mình đã bắt bao nhiêu đối tượng truy nã nhưng ấn tượng về những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt các anh vẫn còn nhớ mãi. 

Nghiên cứu hồ sơ đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, Phan Ngọc Tuấn, SN 1984, quê ở Đông Phương Yên, Chương Mỹ phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản, Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, người trinh sát đã đi gần hết hành trình với nghiệp tầm nã không khỏi băn khoăn. Bởi qua tìm hiểu rất kỹ lưỡng hồ sơ lại xác minh thực tế về nhân thân đối tượng, anh đã xác định được địa điểm nơi Tuấn đang ẩn náu trong Nam nên việc tổ chức bắt giữ đối tượng chỉ còn vấn đề thời gian nhưng điều anh quan tâm lúc này là bố Tuấn đang mang trọng bệnh khó qua nổi. Và mong mỏi của ông chỉ muốn gặp con trai lần cuối. Nắm bắt được suy nghĩ này, Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ phải lặn lội không ít lần đến gia đình Tuấn động viên làm công tác tư tưởng và để họ thấy được những quyền lợi và nghĩa vụ nếu Tuấn ra đầu thú tại cơ quan công an. Cuối cùng, gia đình Tuấn chấp thuận vận động Tuấn ra đầu thú.

Đúng theo những gì đã hứa với cơ quan công an,  sau khi về nhà gặp bố và gia đình, Tuấn đã lên cơ quan công an đầu thú. Nhận thức được lỗi lầm của mình, chấp hành tốt trong quá trình cải tạo, năm nào Tuấn cũng được giảm án và đang chờ đặc xá một ngày không xa. Cảm động trước tấm lòng của người trinh sát đã mở lối về cho con, gia đình Tuấn rất nghèo nhưng cứ đến ngày tết lại mang quà quê lên cảm ơn. Biết khó chối từ, Trung tá Kỷ đành nhận để đối tượng yên lòng và anh mừng tuổi lại cho con trẻ trong nhà.

(Còn nữa)