Cần lời giải cho bài toán sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Buộc phải đóng cửa nhà máy, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh cầm chừng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực trong những tháng qua. Bên cạnh đó, những tắc nghẽn trong lưu thông cũng khiến nguy cơ đứt gãy nguồn cung cận kề. Đây là bài toán khó trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và rất cần lời giải.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh

Sản xuất đình trệ

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư tại Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đây được xem là đợt bùng phát lớn nhất tại Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sau hơn 2 năm vừa sản xuất, vừa chống dịch, dù đã có kinh nghiệm ứng phó nhất định nhưng cũng đã “ngấm đòn” vì khó khăn nhiều và kéo dài. Trong khi đó, dịch bệnh lại tấn công trực tiếp vào các nhà máy, lây nhiễm cho hàng nghìn công nhân.

Trước tình huống này, một số doanh nghiệp “mạnh khỏe” hơn thực hiện “3 tại chỗ” để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguồn lây dịch bệnh, nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Dù vậy, sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình này đã bộc lộ điểm yếu và dường như bất lực trước virus chủng mới. Nếu như tại Bắc Giang, Bắc Ninh, “3 tại chỗ” được vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ thì tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” lại có những hạn chế nhất định.

Thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt may Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM, Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương...) cho thấy, tại nhiều nhà máy áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Do năng lực y tế tại chỗ hạn chế, hệ thống y tế địa phương cũng quá tải nên việc xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Cần xác định vừa chống dịch vừa phải duy trì sản xuất, hoạt động kinh tế đến mức tối đa có thể được. Thay vì yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc đóng cửa, có thể yêu cầu các doanh nghiệp giảm số lượng công nhân tập trung tại nhà máy, bố trí quy trình sản xuất giãn cách tối đa có thể.

Không có tiềm lực mạnh như các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn, hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy cũng hạn chế.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, do các nhà máy dệt may và da giày đều sử dụng nhiều lao động nên phần lớn phải đóng cửa. “Việc áp dụng “3 tại chỗ” được thực hiện ở 1 số đơn vị ít hoặc không quá nhiều lao động cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt rủi ro về sức khỏe của người lao động nên một số nơi cũng ngần ngại. Các nhà máy rất căng thẳng vì không biết xảy ra rủi ro lúc nào. Ngoài ra, tỷ lệ công nhân tham gia “3 tại chỗ” chỉ 10-30%, lác đác có 40%, nên việc sản xuất cũng không ra sản phẩm. Đây là tình thế tạm thời và không mong muốn” - đại diện Vitas nói.

Cũng theo vị đại diện Vitas, doanh nghiệp còn lo lắng vì không biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, khi nào có thể mở lại nhà máy nên không thể chuẩn bị cho việc lưu giữ lao động cũng như lên kế hoạch sản xuất để bù đắp thời gian đã mất, do đó không thể xác nhận được thời điểm xuất hàng.

Đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ: “Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7-2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước. Sản xuất công nghiệp cả nước đang có mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2-2021 có số ngày làm việc ít nhất).

Đáng chú ý, IIP tháng 7-2021 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19 đã giảm mạnh. Điển hình là TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%... Những khó khăn trong hoạt động sản xuất đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách, nhằm vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Bùng nhùng lưu thông hàng hóa

Trong khi sản xuất gặp nhiều khó khăn thì tình trạng lộn xộn, đứt gãy vận tải hàng hóa đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh liên tục, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng đang hiện hữu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mỗi địa phương có cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng chống dịch khác nhau. Phía doanh nghiệp phản ánh, yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ khiến doanh nghiệp vừa chịu thêm chi phí, vừa gây ách tắc tại các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc ưu tiên cho xe “luồng xanh” cũng phát sinh nhiều bất cập; quy định về việc chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu khiến nhiều xe chở hàng hóa là nguyên liệu sản xuất phải quay đầu.

Theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, do linh kiện điện tử chưa được liệt kê vào danh mục hàng hóa thiết yếu, mà là thuộc nhóm nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa thiết yếu nên việc lưu thông rất khó khăn. “Nếu giờ không có điện thoại để phục vụ cho hoạt động liên lạc, chống dịch thì sẽ dùng phương tiện gì để truyền tin nhanh. Vậy linh kiện điện tử sản xuất ra điện thoại có phải là hàng hóa thiết yếu không?”.

Phản ánh đến Bộ Công Thương, đại diện 11 hiệp hội, ngành hàng cũng nêu thực tế là xe chở nước uống, chở sữa cũng phải quay đầu vì cách hiểu không thống nhất về hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương. Chưa kể, xe chở bỉm, băng vệ sinh… cũng không thể qua chốt kiểm dịch vì những quy định ngặt nghèo và khác nhau giữa các tỉnh. Mặc dù Bộ Công Thương đã “gỡ khó” bằng cách kiến nghị Chính phủ về danh mục hàng hóa bị cấm và hạn chế vận chuyển thay cho danh mục hàng hóa thiết yếu, nhưng ùn tắc trong lưu thông hàng hóa vẫn là nhức nhối.

Chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất nhập khẩu còn liên quan tới hoạt động của nhiều bộ phận khác. Do đó, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và các hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các Bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kĩ “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Linh hoạt giữa sản xuất và phòng dịch

Dự báo khả năng dịch bệnh còn khả năng kéo dài nên trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần xác định vừa chống dịch vừa phải duy trì sản xuất, hoạt động kinh tế đến mức tối đa có thể được.

Thay vì yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc đóng cửa, có thể yêu cầu các doanh nghiệp giảm số lượng công nhân tập trung tại nhà máy, bố trí quy trình sản xuất giãn cách tối đa có thể, không tiếp xúc giữa các tổ, đội và tăng cường các biện pháp phòng hộ cá nhân. Trong trường hợp một bộ phận sản xuất có ca nhiễm, chỉ ca nhiễm đó và các đối tượng liên quan phải cách ly, các bộ phận khác trong doanh nghiệp vẫn được tiếp tục làm việc, trừ khi số lượng ca nhiễm đã trở nên mất kiểm soát thì mới đóng cửa hoàn toàn doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, cần đề cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về giãn cách; tạo điều kiện cho ngành vận tải và logistic hoạt động vì đây là huyết mạch của cuộc sống và nền kinh tế, đảm bảo hàng hóa lưu thông phục vụ người dân cũng như cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hóa kịp thời cho doanh nghiệp.