Vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề và trách nhiệm của người liên quan

Cần làm rõ nguồn gốc những đứa trẻ đang được nuôi tại nhà nghi can Nguyệt

ANTĐ - Chị Trần Thị Thu H. (SN 1989, quê Phú Thọ) có quan hệ yêu đương với anh Vũ Xuân T. (quê Tuyên Quang) và có thai với anh T. Sau khi sinh một cháu bé trai, sợ gia đình biết, chị H. cùng người yêu đã mang cháu bé đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng. 
Tại đây, hai người gặp sư trụ trì Thích Đàm Lan và nói dối là con của một người khác không có điều kiện nuôi dưỡng, gửi nhà chùa nuôi giùm. Sư trụ trì Thích Đàm Lan hướng dẫn chị H. gặp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú tại Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người quản lý nhà mở, nơi trông giữ trẻ ở chùa Bồ Đề, để làm thủ tục gửi cháu bé. Cháu bé được gửi vào chùa và đặt tên là Cù Nguyên Công. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2013 cháu bé không còn ở chùa Bồ Đề nữa.  Qua điều tra, cơ quan công an xác định, trước đó, Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình; hiện trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhờ Trang tìm cho 1 đứa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi. Nguyệt hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang bằng tiền. Khoảng tháng 12-2013, Trang nói với chị H. rằng có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu Công về làm con nuôi và được chị H. đồng ý. Trang hẹn chị H. ngày 1-1-2014 đến chùa Bồ Đề làm thủ tục xin lại con, thực chất là để đưa cháu bé ra khỏi chùa giao cho Nguyệt nuôi. Sau khi thỏa thuận với chị H., Trang thông báo lại Nguyệt biết, nếu Nguyệt đồng ý nhận cháu Công làm con nuôi thì phải đưa cho Trang 40 triệu đồng để Trang đưa cho mẹ đẻ cháu bé. Nguyệt đồng ý và đưa 35 triệu đồng. Với số tiền Nguyệt đưa, Trang lấy 10 triệu đồng gửi qua tài khoản cho chị H. Khoảng tháng 6-2014, Nguyệt liên lạc với Trang, thông báo là cháu bé đã chết. Qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an xác định tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn lỏng lẻo, sơ sài. Vấn đề cần trao đổi là các nghi can trong vụ án này đã phạm tội gì và trách nhiệm của những người liên quan ra sao?Cần xem xét tình cảnh của mẹ cháu bé
Việc cô Trang thống nhất với mẹ đẻ của cháu Công đồng ý cho cháu đi làm con nuôi của chị Nguyệt  cũng không có gì là sai phạm nếu như không có thỏa thuận giao nhận tiền. Ở đây,  đứng ở góc độ người mẹ là chị H thì tôi cũng vẫn đồng ý để cho cháu có được một gia đình, vì vậy việc mẹ đẻ cháu Công thông qua môi giới để cho con mình đẻ ra là vô can. Chị ấy là  nạn nhân của  Nguyệt nếu như thực sự  Nguyệt  là kẻ buôn bán trẻ em. Tôi cho rằng xem xét từng khía cạnh và cũng đặt mình vào vị trí của chị H mẹ cháu bé để suy xét cho thấu đáo. Còn hành vi của Trang cho thấy đã có tính toán, bàn bạc với Nguyệt để nhận tiền, rồi tìm cách đưa cháu Công ra ngoài  để trao cho Nguyệt và nhận 35 triệu đồng,cho thấy dấu hiệu phạm tội đã rõ.
Phạm Thị Bích (Gia Lâm Hà Nội)

Không thể nói là không phạm tội, dấu hiệu mua bán đã rõ
Theo quy định pháp luật, “Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây: Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán. Rõ ràng hành vi chuyển cháu bé tên Công cho người khác để nhận 35 triệu là hành vi mua bán trẻ em.  Các cơ quan chức năng cần điều tra kỹ và làm sáng tỏ sự việc, kẻ ác cần được đưa ra ánh sáng và chịu sự trừng phạt của pháp luật cho dù đó là ai, không cho phép kẻ xấu lợi dụng chốn cửa thiền để làm điều ác nghiệp.
Nguyễn Văn Phi (Q3 TP Hồ Chí Minh)

Các chùa không phải là nơi nuôi trẻ bị bỏ rơi
Nhà chùa là nơi tụng kinh niệm Phật, truyền bá phật pháp, cầu phúc, cầu an cho chúng sinh, nhà chùa không phải là trại mồ côi vì nhà chùa không đủ các trang thiết bị, trình độ sư phạm cần thiết để nuôi dạy các cháu.  Nên đưa các cháu về các trại mồ côi, cấp thêm kinh phí để nuôi dạy các cháu tốt hơn. Điều kiện dẫn đến việc vi phạm pháp luật của nhân viên chùa Bồ Đề là do nhà chùa quản lý việc nuôi dạy các cháu chưa chặt chẽ. Tuy cơ quan công an còn đang trong quá trình xác định trách nhiệm của nhà chùa, song cũng thấy rõ rằng việc quản lý  rất tùy tiện, lỏng lẻo. Chính quyền địa phương, cụ thể là UBND phường Bồ Đề buông lỏng quản lý công tác đăng ký hộ tịch và cho nhận trẻ bị bỏ rơi. Phòng LĐTBXH quận chưa tích cực trong việc hướng dẫn nhà chùa thực thi đúng yêu cầu pháp luật trong việc nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi. Trẻ bị bỏ rơi hoàn toàn khác với trẻ mồ côi. Các tổ chức từ thiện khi nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi cần chứng minh năng lực tài chính, phải nuôi trẻ đến tuổi trưởng thành. Khi nhận trẻ phải đăng ký với UBND phường, chỉ trả trẻ về cho chính cha mẹ của chúng nếu cha mẹ chứng minh được mình là cha mẹ đẻ và có đủ năng lực tài chính và năng lực hành vi nuôi dạy trẻ và có sự đồng ý của các ngành chức năng. Các tổ chức từ thiện không được tùy tiện cho trẻ làm con nuôi, vì các em bị bỏ rơi vẫn còn cha mẹ, việc quyết định cho các em làm con nuôi của người khác chỉ được quyết định bởi cha mẹ của trẻ. Qua sự việc mua bán trẻ của nhân viên chùa Bồ Đề, cần chấn chỉnh việc quản lý nuôi trẻ bị bỏ rơi.Nguyễn Quang (Huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Cần xem xét kỹ việc nuôi trẻ tại nhà Nguyệt và mối quan hệ giữa Trang và Nguyệt
Tôi được biết quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ tại nơi ở của Phạm Thị Nguyệt nhiều giấy tờ như giấy khai sinh của các cháu bé không phải là con đẻ của Nguyệt, giấy viết tay của người khác, nghi được làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc những cháu bé mà Nguyệt đang nuôi. Hiện tại, Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé khoảng 2 tuổi không phải con đẻ của mình tại phòng trọ trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi không nghĩ rằng việc Trang và Nguyệt mua bán cháu Công là lần đầu. Cần xác định rõ mối quan hệ này có từ thời gian nào? Tại sao Nguyệt lại nhận nuôi nhiều con nuôi như vậy? Mục đích để làm gì? Và làm rõ nhân thân, nguồn gốc những đứa trẻ mà Nguyệt đang nuôi giữ tại nhà. Những đứa trẻ này có mối liên hệ gì với những đứa trẻ đã từng được đưa vào chùa Bồ Đề nhưng hiện này không còn ở đó hay không?
Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội)

Bình luận của luật sư

'Trước tiên, theo tôi, cần phân tích hành vi của các nghi can Trang và Nguyệt cùng mẹ để cháu là H. Trong việc chuyển cháu Công cho người khác nuôi. Bản chất của vụ án nằm ở chỗ, các nghi can Trang và H. Đã chuyển cháu Công cho Nguyệt để lấy 35 triệu đồng. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1996 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của phần các tội phạm Bộ luật Hình sự” thì: “Mua bán trẻ em” được hiểu là “việc mua hoặc bán trẻ em vì mục đích tư lợi, dù là mua của kẻ bắt trộm hay của chính người có con đem bán. Theo đúng các quy định pháp luật, hành vi này đã có dấu hiệu dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa. Các nghi can đã phạm tội Mua bán trẻ em theo điều 120 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, với trường hợp nghi can H., là mẹ đẻ cháu Công, theo sự hướng dẫn của TANHTC: Trường hợp người cha, người mẹ cho con đẻ của mình cho người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi thông qua môi giới và người cha, người mẹ được người nhận con nuôi cho một khoản tiền để bù đắp khó khăn, cho người môi giới một khoản tiền để “thù lao” hay “cảm ơn” thì không cấu thành tội mua bán trẻ em, tùy theo kết quả điều tra, có thể chị H. không bị truy tố.

Với cả hai nghi can Trang và Nguyệt, hành vi mua bán trẻ em lại có những tình tiết tăng nặng như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, hình phạt có thể lên đến mức tù 20 năm hoặc chung thân. Cần lưu ý, tội: Mua bán trẻ em có những dấu hiệu đặc trưng như sau: Khách thể của tội phạm: Xâm phạm quyền tự do, thân thể của trẻ em và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục của trẻ em. Cao hơn là đã xâm phạm đến quyền con người của trẻ em. Khách quan của tội phạm: Các hành vi khách quan trong tội mua bán trẻ em trong trường hợp này là mua để nuôi, rồi đem bán hoặc sử dụng trẻ em vào mục đích khác. Chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Như vậy, có thể hiểu thông dụng là các tội phạm biết và hưởng lợi qua việc chuyển quyền nuôi dưỡng, khai thác trẻ em. Vì vậy tất cả những đối tượng tham gia trong vụ việc này nếu có biết và có hưởng lợi đều là đồng phạm với tội danh Mua bán trẻ em. 

Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép nhưng không biết mục đích của người nhận con nuôi là bóc lột, là lạm dụng tình dục, là lấy bộ phận cơ thể hoặc để bán lại cho người khác… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em. Ngược lại, nếu người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức quyền để nhận tiền bạc, tài sản, vật chất… mà biết rõ việc nhận con nuôi chỉ là “vỏ bọc” của các hành vi sau đó là bóc lột, lạm dụng tình dục, lấy bộ phận cơ thể… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 120 BLHS. Trường hợp không biết mục đích thật của người nhận con nuôi là phi pháp thì người có chức vụ quyền hạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS), tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi (Điều 283 BLHS). 

Đối với việc nuôi dưỡng trẻ bỏ rơi tại chùa Bồ Đề, qua các cuộc kiểm tra trước đây, đoàn công tác liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm tại chùa Bồ Đề như chưa thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội trong chùa theo Nghị định 68/CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, không đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng. Chùa Bồ Đề không có quyền nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi. Với những trẻ em đang nương nhờ cửa chùa Cục  Bảo trợ xã hội, UBND quận Long Biên rà soát và phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lập kế hoạch đưa các em về gia đình trong trường hợp tìm được người thân, hoặc gửi tới các cơ sở bảo trợ xã hội của Hà Nội để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Xin lưu ý, các chùa không đứng tên nhận con nuôi được. Đối chiếu với Điều 14 Luật Nuôi con nuôi (quy định các điều kiện đối với người nhận con nuôi), các tổ chức nói chung và nhà chùa nói riêng không có trong chủ thể nhận con nuôi, không thỏa mãn các điều kiện để nhận con nuôi.